Nỗ lực triển khai Dự án 8
Dự án 8 được triển khai từ năm 2022, tại 5 huyện miền núi, trung du gồm: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn. Nhằm truyền thông rộng rãi các vấn đề về giới, bình đẳng giới đến hội viên, phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS, hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã thành lập 120 tổ truyền thông cộng đồng, với sự tham gia 1.337 thành viên, trong đó có 818 thành viên là nam.
Đây là những người có uy tín và có năng lực truyền thông tại các thôn thực hiện Dự án 8. Bên cạnh đó, đã thành lập 19 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng và 22 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại 14 trường dân tộc nội trú, 6 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện, với 703 thành viên tham gia.
Bà Đinh Thị Vang, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Chúng tôi có 7 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại các trường, 3 mô hình địa chỉ tin cậy và 28 tổ truyền thông cộng đồng. Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh vận động phụ nữ mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tham gia các lớp học nghề, ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi và trao sinh kế cho các chị em. Từ đó, chúng tôi mong muốn chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm tiến tới khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ.
Còn chị Bùi Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, cho biết: Phụ nữ vùng đồng bào DTTS thường có tâm lý e ngại, không tự tin trong các hoạt động kinh tế cũng như giao tiếp xã hội. Từ khi triển khai Dự án 8, ngoài việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Hội còn mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực của phụ nữ trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số, góp phần tạo nên sự đổi mới mạnh mẽ trong tất cả hoạt động. Đối với phụ nữ miền núi, muốn triển khai hiệu quả, cán bộ Hội phải “cầm tay chỉ việc”, phải thường xuyên đến từng hộ để hướng dẫn họ cách chăn nuôi, trồng trọt”.
Theo bà Phùng Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, hằng năm, Hội đều xây dựng kế hoạch định hướng cho các huyện miền núi, trung du thực hiện Dự án 8; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 cấp tỉnh. Hội còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu Dự án 8, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và vấn đề phát sinh tại địa phương.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Là một trong những người nhận biết rõ ý nghĩa tích cực mà Dự án 8 mang lại, chị Lê O Thị Hồng Hảo (ở khu phố Suối Mây, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) bày tỏ: Trước kia, cũng như những người đàn ông khác, sau giờ làm, chồng tôi thường tụ tập bạn bè. Nay chúng tôi cùng tham gia vào tổ truyền thông cộng đồng, chồng tôi cũng tự ý thức thay đổi. Bây giờ, anh ấy đã chủ động đỡ đần, chia sẻ với tôi từ chuyện nuôi dạy con đến việc nhà, việc đồng áng và xung quanh tôi cũng đã có nhiều người thay đổi tích cực như vậy.
Nhằm giúp phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, tự vươn lên trong cuộc sống, Hội LHPN các cấp thường xuyên tổ chức các phiên chợ kết nối nhằm tăng cường hoạt động kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm truyền thống đặc trưng của đồng bào DTTS và miền núi, trung du trong tỉnh. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin trong làm kinh tế.
Chị Đinh Thị Tiên (thôn 2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) đã chọn mô hình nuôi heo bản địa để khởi nghiệp. Đến nay, mô hình của chị Tiên không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn hỗ trợ các chị em khác trong thôn cách làm ăn, tăng thêm thu nhập.
Chị Tiên chia sẻ: Trước đây, tôi chủ yếu đi trồng keo thuê như nhiều chị em khác trong thôn. Dù chăm chỉ làm việc nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Từ khi được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ về các kiến thức làm ăn, vay vốn, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại để sản xuất. Tôi còn được các chị chỉ cho cách ủ phân bón cho cây trồng, đầu ra sản phẩm được hỗ trợ kết nối tiêu thụ.
Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế không chỉ giúp có thu nhập để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, mà còn giúp họ có được tiếng nói trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện bình đẳng giới, giúp chị em có cơ hội nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bà Phùng Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định, cho biết: Để thay đổi nhận thức của một người không dễ và của một cộng đồng càng không đơn giản. Tuy nhiên, “mưa dầm thấm lâu”, hiện nhận thức về giới, bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi dần được cải thiện.
“Trong thời gian tới, các cấp Hội cần hỗ trợ thêm cho phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn chính sách; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để họ có kiến thức, kỹ năng tham gia phát triển kinh tế bền vững”, bà Tuyết chia sẻ thêm.
Nguồn: https://baodantoc.vn/binh-dinh-giup-phu-nu-dtts-tu-tin-vao-chinh-minh-1732680606405.htm