Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền trong bối cảnh đương đại
Tại Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định, diễn ra ngày 5.1 tại TP Quy Nhơn, tham luận của các chuyên gia, học giả, đại biểu đã nêu ra nhiều góc nhìn, ý kiến về nguồn gốc, cách thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản võ cổ truyền.
Trong đó, các nhóm vấn đề chính được tập trung thảo luận gồm: Võ cổ truyền từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Bảo vệ và phát huy di sản võ – bài học từ các nước; Võ cổ truyền Bình Định – bản sắc địa phương, sự biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong bối cảnh đương đại: Trường hợp võ cổ truyền Bình Định và các di sản khác.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu về di sản văn hóa trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
PV Báo Bình Định trích ghi một số ý kiến của các chuyên gia, học giải và đại biểu tại hội thảo:
• Ông KWON HUH, thành viên Ban điều hành võ thuật thế giới:
Võ cổ truyền Hàn Quốc – Thách thức và chiến lược toàn cầu
Võ thuật Hàn Quốc có 231 tổ chức đang hoạt động và 64 bài võ thuật truyền thống, hầu hết các tổ chức đều nhỏ và yếu. Hàn Quốc đã gặp nhiều thách thức trong việc đấu tranh cho tính hợp pháp, giải quyết những xung đột ý kiến về võ thuật truyền thống, thiếu sự tham gia đầy đủ của cơ sở giáo dục và tổ chức hướng dẫn tiêu chuẩn.
Do vậy, Hàn Quốc đã xây dựng khung kế hoạch xúc tiến dài hạn qua việc nuôi dưỡng và đào tạo người thực hành trong thời hạn 50, 30, 20 và 10 năm; thiết lập hệ thống đào tạo và thiết lập cơ sở dữ liệu về phương pháp, kỹ thuật đào tạo…; đồng thời thúc đẩy sức mạnh của xã hội trong việc bảo tồn, có những hành động thiết thực qua việc kích hoạt, tổ chức các chương trình thể thao đời sống có sử dụng nghệ thuật võ thuật truyền thống nhằm thúc đẩy công nghiệp võ thuật truyền thống…
• GS. TS Neel Kamal Chapagain, ĐH Ahmedabad, Trung tâm Quản lý Di sản Ban tổ chức toàn cầu Công ước 2003 (Nepal):
Công ước UNESCO năm 2003 và vấn đề bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã chưa được UNESCO ghi danh
Khái niệm di sản văn hóa phi vật thể đã được thể hiện và phổ biến bởi Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tập trung vào cộng đồng, nhóm và cá nhân, cùng với các truyền thống và thực hành sống của họ, trong đó có nhiều yếu tố khác.
Khác với các công ước khác, khái niệm di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước năm 2003 tập trung vào con người, với trọng tâm là di sản sống và nhấn mạnh bảo vệ di sản. Công ước xem đây là sự tiếp tục hay khả năng di sản phát triển trong bối cảnh hiện đại, thay vì chỉ duy trì di sản ở trạng thái hiện tại. Những giá trị truyền thống sống như võ cổ truyền Bình Định ở Việt Nam cần phải được coi là di sản sống, và các quy trình cũng như khái niệm được trình bày trong Công ước năm 2003 có thể hữu ích cho việc này.
Điều quan trọng là các cộng đồng, nhóm và cá nhân liên quan phải nhận thức được khái niệm công ước này cung cấp và cách họ có thể sử dụng chúng cho lợi ích của riêng mình, để thu hút sự giúp đỡ, hỗ trợ, bảo vệ di sản của họ.
Tuy nhiên, không phải tất cả di sản quan trọng đều phải được đề xuất để UNESCO ghi danh và việc ghi danh UNESCO không phải là cách duy nhất để cam kết bảo vệ những di sản này. Có thể có các hệ thống địa phương hoặc quốc gia có những cách làm khác, mang tính hiệu quả cho cả việc công nhận và đưa ra phương hướng liên quan để bảo vệ di sản.
• PGS.TS, võ sư cao cấp Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội:
Phát huy giá trị võ cổ truyền Việt Nam trong các trường đại học hiện nay
Võ cổ truyền Việt Nam là những hệ phái võ thuật được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ với những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Truyền thống thượng võ của dân tộc Việt Nam được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên và kẻ thù xâm lược.
Trường học là một môi trường tiềm năng cho việc truyền dạy, bảo vệ và phát huy võ cổ truyền. Tín hiệu đáng chú ý trong những năm gần đây là một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã tích cực trong việc tổ chức giảng dạy võ cổ truyền.
Một số giải pháp tổ chức truyền dạy, bảo vệ và phát huy võ cổ truyền trong môi trường đại học hiện nay như: Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tác dụng cũng như giá trị của võ cổ truyền với sinh viên; thành lập các CLB võ cổ truyền, tạo sân chơi cho các môn phái tại các trường đại học; tổ chức sinh hoạt hay sự kiện liên quan trong không gian các trường đại học…
• TS, nhà văn Trần Thị Huyền Trang:
Các giải pháp bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Bình Định
Trong quá trình mở mang tạo dựng miền đất của mình, người Bình Định không chỉ dụng võ để chinh phục tự nhiên, mà còn biến võ thành nguồn lực can dự vào diễn trình lịch sử trong những thời điểm quyết định, khai thông kinh mạch xã hội, bảo vệ quyền sống chính đáng của con người. Văn hóa võ thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống, làm nên phong vị tinh thần của đất và người Bình Định, góp phần quan trọng trong việc kiến tạo bản sắc địa phương, hình thành giữa lòng Việt Nam và thế giới một danh xưng Đất Võ.
Có thể hình dung võ Bình Định như một dòng chảy xuyên thời gian, từ miền xuất phát của nó đến các khu vực lan tỏa trong nước và quốc tế. Khảo sát những biến đổi và phát triển của võ Bình Định trong quá trình kiến tạo bản sắc Đất Võ, ta sẽ nhận thức rõ tính quy luật trong vận hành và phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Những thay đổi trong thời đại và nhu cầu xã hội đối với võ thuật có tác động sâu rộng đến việc phát triển đội ngũ kế thừa. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu về võ cổ truyền chủ yếu mang tính truyền miệng, hạn chế về độ chính xác và đầy đủ. Phương thức truyền nghề chủ yếu vẫn giữ nét hướng nội và độc quyền trong một số dòng võ, phái võ, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển rộng rãi. Thêm vào đó, việc phát huy quyền lợi của cộng đồng văn hóa chưa thực sự được chú trọng.
Để giải quyết những thách thức này, cần có một cách tiếp cận mới đối với khái niệm di sản võ cổ truyền Bình Định, đồng thời triển khai các chương trình bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị của di sản. Cần có những chính sách đặc biệt nhằm bảo tồn và đào tạo nhân tố kế thừa, đảm bảo tính liên tục trong việc thực hành văn hóa võ, tránh tình trạng phai nhạt hay đứt gãy bản sắc. Quan trọng hơn, cần trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng chủ thể văn hóa trong việc tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản.
Để đạt được mục tiêu này, việc đa dạng hóa các hình thức bảo tồn và thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định. Đồng thời, việc xây dựng và triển khai một chiến lược truyền thông toàn diện sẽ giúp quảng bá mạnh mẽ hơn về công cuộc bảo tồn và phát triển di sản võ cổ truyền Bình Định đến cộng đồng trong và ngoài nước.
NHÓM PV VĂN HÓA
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=289317