Cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi lần thứ 2 – năm 2025: Góp phần làm giàu thêm di sản
Cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi lần thứ 2 – năm 2025, do Hội VHNT tỉnh tổ chức đã thu hút nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thơ và những người yêu thích bài chòi tham gia. Qua đó góp phần làm phong phú thêm hệ thống câu thai bài chòi dân gian Bình Ðịnh, tiếp tục lan tỏa sức sống của bài chòi dân gian.
Cuộc thi lần này thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân nòng cốt, những người đã gắn bó lâu năm với hoạt động hô hát bài chòi tại địa phương. Sau gần 3 tháng phát động (từ ngày 2.12.2024 – 12.2.2025), cuộc thi nhận được 420 câu thai được sáng tác bởi 18 tác giả.
Bằng những câu chữ, ý tứ mới mẻ, các câu thai dự thi đã góp phần quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến với công chúng một cách hiệu quả hơn. Ảnh: K.V |
Nghệ nhân Phạm Thị Kiều (huyện Phù Cát) tham gia 31 câu thai, phân bố khắp 27 con bài và 1 câu trình thẻ, 1 câu hô mời. Gần gũi với loại hình nghệ thuật bài chòi, nên qua sáng tác của mình, chị đã thể hiện sự rành rẽ về bài chòi dân gian, tạo được nét riêng. Trong đó, chị Kiều vận dụng khéo léo yếu tố giáo huấn, dẫn tích lịch sử, biền ngẫu đối xứng, tính thời sự, kết hợp lối nói hóm hỉnh và răn dạy, giúp người nghe vừa giải trí vừa tiếp thu những bài học sâu sắc về cách sống và đạo đức, như: “Xưa nay biết mấy thời kỳ/ Tứ đổ tường ta phải vậy thì tránh xa/…/ Đào Tam Xuân quyết báo thù chồng/ Nhờ có Cao Hoài Đức giải phân nên mới thuận lòng/ Sách xưa chép lại thuần phong/ Xem trong kim cổ cũng đồng như nhau/ Từ nghèo hèn cho tới sang giàu/ Nhơn nghĩa lễ trí tín ta phải mau mau gìn giữ gìn/ Hô là con Nhì Nghèo”.
Có nhiều thời gian trình diễn bài chòi ở các địa phương là một trải nghiệm đáng quý để nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (CLB Bài chòi TX An Nhơn) góp nhặt tư liệu sáng tác. Chị chia sẻ: Ngoài tham dự các lớp tập huấn về bài chòi, tôi mày mò học hỏi thêm phương pháp sáng tác câu thai bài chòi cổ qua tư liệu được các nghệ nhân gìn giữ, truyền lại. Qua đó, tôi nghiên cứu, chắt lọc làm sao để những câu thai mình sáng tác có sự hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.
Cuối năm vừa qua, thấy nông dân trong tỉnh làm nông rất vất vả, thương cho cảnh phải gieo sạ lúa nhiều lần vì nhiều trận mưa lớn làm mất giống, chị My liền nghĩ ra câu thai về con Ba Gà. Vừa kể, chị Kiều My bắt nhịp hô: “Bần nông khổ cực dư thừa/ Quanh năm dãi nắng, dầm mưa giữa trời/ Gà gáy đã phải dậy rồi/ Ra đồng cho kịp vụ thời thâm canh/ Cố gom góp chút để dành/ Nuôi con ăn học, trưởng thành khôn ngoan”.
Lần thứ hai hưởng ứng cuộc thi, nhà thơ Đặng Quốc Khánh (huyện Tuy Phước) đã sáng tác đầy đủ 27 con bài (ở cuộc thi lần thứ nhất, ông sáng tác 15 con bài). Bên cạnh việc theo sát chủ đề mà Ban tổ chức yêu cầu về quê hương và con người Bình Định 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, trong các câu thai của mình, nhà thơ Đặng Quốc Khánh còn gắn với tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân; đan xen các câu chuyện dân gian, phê phán thói hư tật xấu, tuyên dương gương tốt trong xã hội để rút ra bài học nhân sinh, khuyên con người hướng thiện, làm điều tốt đẹp. Về con Tam Quăng, ông viết: “Bạn ơi!/ Ham chi phú quý giàu sang/ Cái thân nhục nhã tiếng mang cúi luồn!/ Sao bằng vui thú ruộng vườn/ Quăng chài thả lưới sống yêu thương an nhàn!”.
Nhà thơ chia sẻ: Tôi dành nhiều thời gian để lắng nghe các nghệ nhân hô hát, nhằm tránh lặp lại những câu thai cũ. Cũng từ cái cũ, tôi học hỏi và sáng tác cái mới. Mong rằng, những câu thai của mình sẽ góp phần làm phong phú thêm hệ thống câu thai bài chòi hiện nay.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, tác phẩm dự thi vẫn còn một số hạn chế, khi một số tác giả quá chú trọng vào việc gieo vần sao cho trôi chảy mà chưa thực sự thể hiện được tinh thần của câu thai; tác giả chưa tập trung vào chủ đề hoặc mắc lỗi “lộ thai” – tức là con bài được ẩn chứa trong bài nhưng lại thể hiện ngay ở đầu câu, làm mất đi tính hấp dẫn khi người nghe theo dõi và đoán biết. Một số tác giả có sự đầu tư nhưng lại mô tả quá chi tiết về công việc địa phương, danh lam thắng cảnh, khiến câu trở nên dài dòng; hay sáng tác theo dạng kịch ngắn bài chòi – thể loại phù hợp hơn với sân khấu hoặc các chương trình văn nghệ…
Tuy vậy, nhìn về tổng thể, cuộc thi đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi về cả chất và lượng. Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, nhìn nhận: Số lượng tác giả tham gia khá đa dạng, bao gồm hội viên Hội VHNT tỉnh, nghệ nhân, tác giả cao tuổi và cả người trẻ tuổi. Nhiều tác giả đã đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát chủ đề do Ban tổ chức đề ra. Cuộc thi đã gặt hái thành công nhất định, khi nhận được những câu thai hay, chất lượng, đáp ứng được yêu cầu hô diễn của nghệ nhân; góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa phi vật thể.
KIỀU VÂN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=331580