Xuân vui theo điệu bài chòi ngân vang
Góp phần làm nên nét thi vị của mùa xuân là những làn điệu tươi tắn, câu thai giàu ý nghĩa, những dẫn chuyện dí dỏm tại hội đánh bài chòi dân gian khắp các nơi trong tỉnh.
Để cảm nhận đằm thắm hơn khí xuân tỏa lan qua làn điệu bài chòi ngân vang, Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với 3 nữ nghệ nhân đại diện cho 3 thế hệ đang miệt mài gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã trở thành di sản này.
Xuân mới với niềm vui lớn
Tại vùng đất được xem là cái nôi của bài chòi cổ – Bình Định, dù ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức (tên thật là Nguyễn Thị Đức, 74 tuổi, ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, người thầy của rất nhiều hiệu trẻ) vẫn thường xuyên có mặt ở nhiều hội đánh bài chòi dân gian với các vai trò như hiệu bài chòi, giám khảo, người hướng dẫn… Với bà, niềm vui lớn nhất trong đời là ngày càng có thêm nhiều hiệu trẻ trưởng thành, tự tin tung tẩy trình diễn.
Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức tại hội đánh bài chòi dân gian do huyện Phù Cát tổ chức. Ảnh: THẢO VY |
• Là người gắn bó gần như cả đời với bài chòi dân gian, bà đánh giá thế nào về không khí các hội đánh bài chòi ở mùa xuân năm này, thưa bà?
– Tôi lớn tuổi rồi, Tết này chỉ tham gia hội đánh bài chòi dân gian do huyện Phù Cát tổ chức và hội diễn ở một vài địa phương như: Xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn)… Dù vậy, qua trò chuyện, tìm hiểu, tôi biết bài chòi dân gian đang thật sự lan tỏa, thu hút.
Tại huyện Phù Cát, hội đánh bài chòi năm nay có nhiều hiệu trẻ, có cháu chỉ mới mười mấy tuổi nhưng chất lượng hô hát rất tốt, tạo được sự cộng hưởng cao với người chơi, khán giả. Chúng tôi hô hát đến 22 giờ nhưng nhiều người vẫn tha thiết đề nghị tiếp tục phục vụ. Ở Phước Sơn, Hoài Thanh cũng vậy, địa phương quan tâm đầu tư kinh phí cũng như trang bị chòi; năng lực biểu diễn của các hiệu ngày càng cao, nhờ đó hội bài chòi dân gian tạo ra không khí rất vui tươi.
Ngoài các địa phương bảo tồn bài chòi khá tốt như Quy Nhơn, Tuy Phước…, một số nơi khác trong tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) là một điểm nhấn đặc biệt trong xuân này khi UBND xã rất quan tâm, các hiệu say mê tạo nên không khí mùa xuân rộn ràng.
• Nhân dịp đầu xuân mới, bà có mong muốn gửi gắm điều gì cho các hiệu trẻ, thưa bà?
– Tôi rất vui và thường tâm sự rằng niềm vui lớn nhất trong đời là ngày càng có thêm nhiều hiệu trẻ trưởng thành, tự tin tung tẩy trình diễn; các cháu giàu nhiệt huyết, đam mê và gặt hái được nhiều thành công. Tre già măng mọc, tôi mong muốn các em, các cháu tiếp tục gìn giữ ngọn lửa đam mê này để bài chòi dân gian bén rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân, để lại ấn tượng tốt đẹp khi du khách đến với Bình Định.
Tôi mong các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đến loại hình nghệ thuật này bằng nhiều cách thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn cho hiệu trẻ, người yêu thích, mộ điệu bài chòi, thanh niên; đưa bài chòi vào học đường… Có như vậy bài chòi mới vượt qua khuôn khổ của các hội đánh bài chòi dân gian mùa xuân, được bảo tồn, gìn giữ, phát triển lâu dài, in sâu vào tâm thức của người dân như một hoạt động văn hóa thường xuyên.
“Đò giang cách trở” vẫn vang câu bài chòi
Trong giới mộ điệu bài chòi, hẳn ai cũng một lần nghe đến gia đình bài chòi ở đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn). Không thua kém chồng là Nghệ nhân Ưu tú Trần Hữu Phước, bà Lê Thị Hoa (58 tuổi) cũng trở thành hiệu bài chòi nòng cốt của TP Quy Nhơn, nhiệt tình tham gia nhiều hội thi, hội diễn lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.
Nghệ nhân Lê Thị Hoa (ở giữa) tại hội đánh bài chòi dân gian do TP Quy Nhơn tổ chức để phục vụ cho du khách dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: T.K |
• Là nghệ nhân nòng cốt của TP Quy Nhơn, thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ người dân và du khách, điều khiến bà ấn tượng nhất ở các hội đánh bài chòi dân gian dịp xuân này là gì, thưa bà?
– Cứ như mọi năm, thành phố tổ chức hội đánh bài chòi dân gian tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành để phục vụ người dân và du khách vui xuân đón Tết. Chúng tôi tham gia hằng đêm, đồng thời tham gia hô hát phục vụ du khách tại Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Với tôi điểm rất vui trong xuân này là sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả và du khách, các thẻ bài đều được ủng hộ rất nhanh chóng.
Tất nhiên, để khán giả hứng khởi, chúng tôi cũng cố gắng rất nhiều. Trước mỗi buổi hô hát, ngoài ôn lại câu thai cũ, chúng tôi còn học thêm một vài câu thai mới, tập trung giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương, các danh lam, thắng cảnh, niềm vui đón xuân mới… Đồng thời, các hiệu diễn xướng cũng luyện tập nhiều hơn để đạt được sự tự nhiên, linh hoạt, ăn ý để tổng hòa tạo nên không gian hội đánh bài chòi dân gian hấp dẫn, màu sắc, đậm đà chất Bình Định.
• So với nhiều hiệu khác, bà và gia đình phải vượt qua từng cánh sóng để gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này…
– “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Ngại gì cái chuyện đường xa, không đi xe buýt thì ta đi tàu” (cười). Tôi nghĩ đã là đam mê thì chuyện cách trở đường sá cũng không phải là điều đáng bận tâm. Ngược lại, niềm vui của người nghệ nhân là biểu diễn, phục vụ khán giả. Chúng tôi rất trân trọng từng cơ hội được hô hát, mang niềm vui đến với người dân, du khách ở khắp nơi. Sắp tới chúng tôi sẽ lên đường biểu diễn phục vụ tại Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh.
Khi “con nhà nòi” hô hát
Dù là “con nhà nòi” và là một trong những hiệu trẻ thành công hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (35 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) vẫn miệt mài cố gắng chinh phục nét đặc sắc của bài chòi dân gian. Với chị, ngoài đam mê, năng khiếu, để trở thành hiệu giỏi phải không ngừng học hỏi lý thuyết, rèn luyện và trau dồi kỹ năng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều My (thứ hai từ trái sang) hô bài chòi tại Hội đánh bài chòi dân gian ở Lễ hội Chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước). Ảnh: T.K |
• Vừa là hiệu bài chòi, nghệ nhân tại Đoàn tuồng không chuyên Nhơn Hưng và vừa kinh doanh, chị sắp xếp thời gian thế nào để có thể tham gia nhiều buổi diễn xướng bài chòi dân gian trong dịp xuân này?
– Với 3 – 4 suất biểu diễn/ngày, tôi phải chủ động sắp xếp hợp lý nhất có thể. Ban ngày tôi tham gia hô hát bài chòi, buổi tối thì hát bội cùng đoàn tuồng của gia đình. Còn việc kinh doanh tôi đã sắp xếp, chuẩn bị từ trước. Dù bận rộn và hơi quá sức nhưng chứng kiến người dân và du khách vui xuân, đón Tết rộn ràng tôi thấy rất ý nghĩa.
Xuân này, ngoài nhiều câu thai mới, tôi còn học cách chuyển làn điệu để người xem thích thú. Thay vì chỉ hô ở làn điệu xuân nữ, tôi còn sử dụng làn điệu xàng xê, hò quảng, xàng xê lụy… Trong đó đối với tôi làn điệu xàng xê lụy khó nhất, nhưng khi tiếp cận, thực hành làn điệu này khiến tôi rất thích và cảm thấy vượt qua chính mình là một niềm vui lớn.
• Như chị đã chia sẻ, đối với một hiệu trẻ, việc chủ động học tập, trau dồi vô cùng cần thiết, vậy chị đã thực hiện điều này như thế nào?
– Có rất nhiều cơ hội cho tôi học hỏi. Khi tham gia tập huấn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn An Pha đã nói rất kỹ về cách sáng tác câu thai, phép ẩn dụ, cách sử dụng nghĩa đen, nghĩa bóng để tạo nên câu thai có chiều sâu và tôi đã ghi chép lại để lưu giữ, ghi nhớ. Nhờ vậy, năm ngoái, tôi tham gia Hội thi sáng tác câu thai bài chòi do Hội VHNT Bình Định tổ chức và đạt giải khuyến khích. Năm nay, rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, tôi sáng tác 22 câu thai tương ứng với 22 con bài gửi tham gia để tiếp tục có cơ hội được những người có chuyên môn góp ý, chỉnh sửa.
Ngoài ra, tôi còn học hỏi đồng nghiệp, đặc biệt là các nghệ nhân tiền bối như chú Hoàng Việt, anh Nguyễn Phú… những điểm hay, cách viết đoạn hô hát khi trình thẻ, cách viết các câu mời du khách tham gia hội đánh bài chòi dân gian…
• Xin cảm ơn các nghệ nhân, chúc các nghệ nhân tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật dân gian!
THẢO KHUY (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=300975