Về miền yêu thương
Truyện ngắn của ĐINH NGỌC
Sáng đầu đông. Trời mưa. Tiếng gió rít luồn qua những khe cửa, cắt vào từng thớ thịt. Bên phòng học đã xuống cấp, cũ kỹ, bọn trẻ chừng như đã ngấm lạnh đứng nép mình bên cửa lớp nhìn sang những dãy phòng học mới toanh đang mọc lên, mắt long lanh.
– Ít nữa tụi mình sẽ được học trường mới, sẽ không còn mưa, không còn gió nữa hé mầy, Thương? Con Vân khều Y Thương.
Đứng sát bên nhưng Y Thương chẳng nghe thấy gì. Mà cả con Vân cũng thế. Hỏi chỉ để hỏi thôi, mà chẳng riêng gì hai đứa nó, cả lớp chúng nó cũng như mấy lớp khác trong trường đứa nào cũng mải mê ngắm nghía, săm soi ngôi trường đẹp đẽ mỗi khi nghỉ giữa giờ. Số đã tìm cách leo qua rào tôn chui sang bên kia, khi trở lại háo hức kể lại, đẹp lắm, hay lắm, cửa nhôm, kính trắng, phòng học rộng lắm…
***
Tôi là phóng viên đài truyền thanh huyện được cử đi đưa tin khi có đoàn công tác của tỉnh về Trường Tiểu học Giọt Giọt tổ chức lễ khánh thành trường học mới. Trên đường từ huyện vào làng, chuyện nổ như bắp rang. Trần Long, doanh nhân người Hà Nội, say sưa nói về cuộc sống của bà con nơi đây, về niềm vui đến lớp của bọn trẻ.
– Điểm trường quá đỉnh núi bên kia kìa, phía sau mây trắng bao phủ ấy! Anh Long nói khi xe vừa đến trung tâm xã Vĩnh An – Đường đến trường của các thầy cô còn vất vả hơn anh em mình nhiều. Ta đi luôn cho sớm sủa nhé.
Anh Long nhanh nhảu như người con đón khách về thăm nhà mình. Đã nghe tiếng doanh nhân Trần Long gắn bó, hiểu rõ làng Giọt Giọt nhưng rành tới độ này thì không chỉ lãnh đạo huyện mà cả tôi cũng ngạc nhiên.
Đường vào làng mỗi lúc một rộng rãi hơn, nhưng cơn mưa dầm suốt mấy ngày qua khiến lớp cấp phối mềm nhũn thành ra một thứ nhầy nhầy. May nhờ đã được cảnh báo trước nên trong chân ai cũng là những đôi sandal, dép rọ nhựa thích hợp để vượt qua quãng đường lẹp nhẹp bùn đất.
Sáng nay, sân trường bỗng rộn ràng, bọn trẻ con người Bana đi học với những bộ đồ khá mới; khuôn viên trường, dãy phòng học thơm mùi sơn mới, sáng tinh tươm. Già Đinh Hương, cây đại thụ của làng Giọt Giọt cũng có mặt ở trường từ sớm với bộ đồ truyền thống của dân tộc mình. Chẳng là hôm qua trường đã thông báo sáng nay các bác, các chú về làm lễ khánh thành trường học và trao quà tết cho các em nên ai cũng vui. Ngắm bọn trẻ tuy có vẻ e dè nhưng mừng vui thấy rõ trong nụ cười rạng rỡ, mọi người như quên hẳn chặng lội bộ vừa qua.
– Ô, Long lại về với làng đấy hả con?
Già Đinh Hương ôm chặt lấy anh Long.
– Dạ, thưa bá con lại về thăm bà con mình đây ạ!
Anh Long gọi già Đinh Hương là “bá”, thân thương như kiểu con gọi cha. Anh nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc, đỡ già Đinh Hương về chỗ ngồi để lễ khánh thành bắt đầu. Trời ngớt mưa, gió từng cơn lùa thông thốc.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG |
Toàn bộ học sinh Trường Tiểu học Giọt Giọt là người Bana. Trường được thành lập rất sớm, ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, tuy đã được tỉnh, huyện, các cấp quan tâm đầu tư nhưng đường xa cách trở, núi non heo hút, cơ sở vật chất không khỏi cũ kỹ, xuống cấp. Dù vậy chính quyền xã Vĩnh An vẫn nỗ lực động viên người dân, quan tâm thầy cô giáo đứng lớp nên ngược lại với cảnh xập xệ của ngôi trường, việc dạy và học ở đây rất khả quan, đến mức khắp huyện Tây Sơn, các ngành các cấp đều nhất trí không ai thương thầy cô, cán bộ y tế bằng bà con Vĩnh An, nhất là ở Giọt Giọt. Nhưng cơ duyên nào khiến một doanh nhân ở xa tít tắp Hà Nội như Trần Long xắn tay hỗ trợ tiền tỷ để xây trường và một khu nhà công vụ cho giáo viên, chẳng những thế mà đôi ba tháng còn vào tận nơi để thăm chừng việc xây dựng của trường. Thật khó hiểu quá, tôi vừa làm việc, theo dõi sự kiện vừa băn khoăn, một đôi lúc thậm chí còn quên bẵng lễ khánh thành trường như ngày hội lớn, rộn ràng trong tiếng nói tiếng cười của các em học sinh, thầy cô và phụ huynh.
Mang băn khoăn vào cuộc trò chuyện, phỏng vấn sau đó, nó đậm tới mức dù đã có hẹn trước và được anh vui vẻ chấp nhận, tôi vẫn cứ thấy lợ ngợ, lợn cợn… Cuối cùng nhịn không được tôi đành hỏi thẳng:
– Thưa anh, sẽ không ai khiếm nhã mở đầu một cuộc phỏng vấn như tôi, nhưng có một thắc mắc đeo bám tôi mãi. Anh là chủ một công ty xây dựng ở Hà Nội, được biết công ty của anh đã có nhiều năm làm ăn ở Bình Định, đang có một dự án lớn ở Quy Nhơn, nếu muốn bày tỏ trách nhiệm với cộng đồng hoặc trả nghĩa với địa phương thì anh hoàn toàn có thể thực hiện ở Quy Nhơn hoặc quanh quanh gần đó. Đâu nhất thiết phải đến một huyện xa, vào tuốt một làng heo hút như vầy đâu. Có gì đặc biệt ở đây không? Nếu không quá riêng tư, mong anh…
Đến đây thì tôi vụng về bỏ lửng!
Có lẽ dáng vẻ của tôi nom tức cười lắm nên bất chợt Long mỉm cười, tay ôm lấy một em nhỏ người Bana vào lòng xoay sang tươi cười với già Đinh Hương mắt đang ánh lên niềm hạnh phúc, đoạn vui vẻ đáp:
– Thật sự rất riêng tư đấy! Nhưng tôi vẫn có thể kể cho chị nghe. Chị đặt vấn đề rất hợp lẽ. Nhưng tôi nói một câu thôi là chị rõ ngay. Đây là di nguyện của bố tôi.
Vốn đã khâm phục việc anh Long đủ sức lội đường lầy, thuộc đường đến làng như đường về nhà, lại nghe chuyện “di nguyện của cha” tôi háo hức sát lại gần thêm, gần như quên mất vị trí người phỏng vấn của mình.
***
– Tôi là người con của quê hương Tây Sơn, tôi luôn tâm niệm như thế. – Anh Long bắt đầu câu chuyện.
… Bố tôi vốn là chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng, được thành lập tháng 9.1965 tại Hoài Ân. Bố tôi kể, sư đoàn Sao Vàng ra đời đúng vào lúc quân dân Bình Định đương đầu với hàng vạn quân Mỹ – Ngụy và chư hầu, từ đó trở thành niềm tin, chỗ dựa và sự cổ vũ lớn lao, gắn bó máu thịt với chiến trường Bình Định. Sau thành lập, đoàn Sao Vàng và các đơn vị phối thuộc được lệnh chuyển dần vào khu vực hoạt động. Từ Vĩnh Thạnh vượt đèo Bồ Bồ qua Bình Khê và đơn vị của bố tôi nhận nhiệm vụ bí mật đóng quân ở làng Giọt Giọt này.
Suốt từ cuối tháng 9 đến hết tháng 12 năm 1965, máy bay địch liên tục oanh tạc bom đạn xuống thung lũng gần làng, khói lửa ngút trời. Trong một buổi sáng, khi đánh hơi dường như có sự di chuyển của bên ta, kẻ thù cho hàng chục chiếc máy bay thay nhau trút bom xuống thung lũng. Tiếng bom nổ chưa dứt, từng bầy trực thăng vũ trang đã thay nhau lao tới, xối xả bắn đạn rốc két và súng liên thanh xuống những lùm cây, mô đất còn sót lại trên những khu vực chuẩn bị đổ quân của địch. Trong trận chiến đấu ấy, bố tôi bị thương khá nặng, ông còn sống được chính là nhờ sự che chở, cứu giúp của người dân làng Giọt Giọt.
Nói đến đây, anh trìu mến nhìn sang già Đinh Hương, tụi nhỏ vẫn tung tăng trên sân trường, gió lạnh se sắt vẫn lùa từng hồi.
– Ngày ấy, tôi là du kích trẻ tại địa phương. Hôm ấy, tôi phát hiện đồng chí Cường nằm dưới núi, hơi thở yếu ớt. Sau khi dìu anh về hầm, thấy máu từ bụng của anh ra nhiều, tôi vội vã về nhà lấy chai rượu trên bàn thờ và chiếc màn cưới chạy ra hầm rửa vết thương và xé màn băng bó cho anh Cường. Lúc này vì mất máu nhiều, anh Cường lịm đi. Tôi vội vàng đưa anh lên cáng cứu thương cùng bà con dân làng đưa anh đi cấp cứu. – Già Đinh Hương kể, đôi mắt tự nhiên dâng lên một nỗi buồn sâu thẳm. – Khi đưa anh Cường đi cấp cứu, nhà tôi bị trúng bom. Tôi trở về nhà, vợ và con trai tôi đã nằm gục dưới đất…
Im lặng hồi lâu, anh Long kể tiếp:
– Sức khỏe bố tôi dần hồi phục nhưng vết thương nặng, phải ở nhà già Đinh Hương trong suốt thời gian dài để phục sức. Bá nghèo, nhưng kiếm được thứ gì ngon từ rừng, từ suối cũng dành tẩm bổ cho bố tôi. Nếu không có già Đinh Hương và bà con dân làng Giọt Giọt bố tôi làm gì có cơ hội sống sót, làm việc, làm gì có tôi của ngày hôm nay. Bố luôn nhắc tôi phải nhớ, phải biết ơn, phải yêu thương mảnh đất đã cưu mang ông trong những thời khắc nguy khốn nhất. Yêu quê không gì bằng việc hỗ trợ, góp phần giúp quê mình ngày càng đổi mới, phát triển. Đó là di nguyện của bố tôi!
– Ba Long ơi, ba xem áo ba Long mua tặng cho tụi con đợt trước có đẹp không ạ?
Con bé Y Thương mồ côi cả cha và mẹ, ở với bà ngoại từ nhỏ, anh Long thương nó như con. Sáng đến giờ chạy chơi trên sân trường, nó vẫn rất để mắt đến người cha đầy tình cảm, nhưng biết ông bận nên đến giờ mới đến khoe.
***
– Thời gian trôi qua nhanh như chớp mắt. Mới đó mà một năm lại sắp kết thúc. Trước thềm năm mới, con xin chia sẻ một quyết định quan trọng, Tết này con đưa cả nhà về Tây Sơn vui xuân.
Vừa nghe anh Long nói, già Đinh Hương mắt sáng bừng lên, vui mừng nắm chặt tay anh, không nói nên lời.
– Bố tôi đã mất, vợ tôi vốn là người Sài Gòn nên muốn vào Nam để đón xuân trong nắng ấm, các con lại muốn đi du lịch nước ngoài. Nhưng cuối cùng cả nhà nghe theo mẹ tôi, sẽ về Tây Sơn, về với Bình Định, hành hương về đất Vua, về với nơi đã từng sinh ra bố tôi lần nữa… Anh Long hạ giọng, trang trọng như thể đang khấn nguyện một điều thiêng liêng.
Khẽ cầm lấy tay già Đinh Hương, anh Long đứng lên, mắt đảo quanh một vùng sân trường rộng lớn.
– Tôi sẽ đưa các con của mình đến thăm Bảo tàng Quang Trung, dâng hương ở Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và văn thần võ tướng… để hiểu rõ hơn những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa dội vang Tây Sơn và những chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải bách chiến bách thắng lẫy lừng. Hơn hết, các con tôi sẽ được thăm lại nơi ông nội chúng từng chiến đấu, nơi có những con người sinh thời ít chữ nhưng tấm lòng sắt son, dám hy sinh, cốt mong sao quê hương bình yên và phát triển.
Anh Long hồ hởi. Từ sân trường nhìn ra, đất trời âm âm chuyển động, rõ ràng nhất là tiếng khẽ khàng của chồi non cựa mình đang đội đất ngoi lên, làng Giọt Giọt xưa nay đã khang trang hơn xưa nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những người yêu quê hương, trân trọng quá khứ như anh Long.
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=20&mabb=300520