Doanh nghiệp Bình Ðịnh xuất khẩu nhà lắp ghép
Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, thị trường, đến thời điểm này Công ty TNHH Thương mại Xây dựng T.M.N (TP Quy Nhơn) là một trong số ít DN trong nước và là DN đầu tiên của tỉnh Bình Ðịnh xuất khẩu nhà lắp ghép, trong đó có thị trường “khó tính” như Mỹ.
“Hiện tại, T.M.N đang thực hiện một số đơn hàng nhà lắp ghép cho khách hàng ở Mỹ, Canada. Đáng chú ý trong số này là đơn hàng 10 biệt thự xuất sang bang Ohio (Mỹ), vừa chốt cuối năm 2024, quy mô 4 phòng ngủ, diện tích 200 m2 và sẽ xuất đầu năm nay. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hoàn thiện bản thiết kế chào thầu, thiết kế nhà mẫu đơn hàng lớn 1.000 căn nhà lắp ghép cho người vô gia cư, xuất sang bang Texas (Mỹ)”, kiến trúc sư Lê Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Xây dựng T.M.N, phấn khởi bắt đầu câu chuyện về việc xuất khẩu nhà lắp ghép.
T.M.N sản xuất kết cấu nhà lắp ghép cho đơn hàng sẽ xuất sang Mỹ. Ảnh: M.H |
Giữa tháng 5.2023, T.M.N gây bất ngờ lớn khi lần đầu tiên xuất lô hàng nhà lắp ghép “made in Bình Định” với thương hiệu TMN Homes xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Lô hàng này gồm 3 căn nhà lắp ghép dạng nhỏ bằng thép nhẹ LGS. Đây là dòng sản phẩm tiên tiến đang dần thay thế vật liệu kiểu cũ như gạch, bê tông, gỗ… Thép nhẹ LGS có nhiều ưu thế như giúp thi công siêu nhanh, bảo trì và nâng cấp công trình dễ dàng. Công nghệ này được T.M.N tiếp nhận từ Mỹ và đã nghiên cứu, cải tiến nhiều quy trình kỹ thuật phù hợp đưa vào sản xuất gần 5 năm qua.
Theo ông Phương, nhà lắp ghép vốn là kiểu công trình phổ biến ở nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc…, bởi những ưu điểm vượt trội. Sự tiện lợi của nhà lắp ghép là thi công nhanh, tiết kiệm được chi phí về nhân công, khi chỉ cần 1 – 2 tháng là hoàn thiện; tiết kiệm chi phí về vật tư, với đầy đủ công năng và tiện ích không thua kém xây dựng truyền thống. Ngoài ra, nhà lắp ghép còn thân thiện với môi trường khi giúp hạn chế khai thác tài nguyên trong xây dựng.
Mỹ là thị trường lớn, có nhiều điều kiện nghiêm ngặt; thành công từ lô hàng đầu tiên mở ra rất nhiều cơ hội tốt. Hơn thế nữa việc đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ được xem là một “vé VIP” bảo chứng để có thể xâm nhập vào nhiều thị trường khác trên thế giới. Nếu trước đây, việc xuất khẩu nhà lắp ghép của T.M.N phần lớn thông qua trung gian thì nay khoảng 50% đơn hàng của DN này là xuất khẩu trực tiếp. Đó là một bước phát triển rất đáng kể.
Vốn là một DN hoạt động trong lĩnh vực thi công công trình nhà ở, T.M.N bắt đầu chuyển sang sản xuất nhà lắp ghép từ năm 2017, nhưng phải mất 2 năm đầu tư, đào tạo nhân lực, học hỏi chuyên gia… đến năm 2019 mới chính thức sản xuất. Năm 2020, thông qua trung gian là DN sản xuất đồ gỗ ở tỉnh Bình Dương, T.M.N đã xuất khẩu gián tiếp kết cấu khung nhà lắp ghép sang Canada, Mỹ, Úc.
Một nhà mẫu lắp ghép đã được T.M.N xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: DNCC |
Thông thường trước khi thâm nhập vào một thị trường nào đó, T.M.N phải tìm hiểu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho nhà lắp ghép, làm hồ sơ thiết kế nhà chào hàng đối tác, rồi phía đối tác xin cấp phép xây dựng… Khâu chuẩn bị này mất từ 1 – 2 năm. Trong giai đoạn từ năm 2023 – 2024, T.M.N đã xuất hàng trăm hồ sơ thiết kế nhà lắp ghép cho các đối tác nước ngoài.
Xuất khẩu nhà lắp ghép với thép nhẹ LGS là xu hướng mới, dư địa rộng rãi, là lĩnh vực khá hấp dẫn nhưng yêu cầu kỹ thuật rất cao, khắt khe. T.M.N là DN tiên phong trong lĩnh vực này. “Nhà lắp ghép thân thiện môi trường, nên các vật liệu hoàn thiện đi cùng cũng phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là tiêu chí đảm bảo vật liệu xanh. Hiện nay, vật liệu hoàn thiện cho nhà lắp ghép sử dụng thép nhẹ LGS chúng tôi phải nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Do đó, hệ sinh thái ngành xây dựng trong nước cũng cần thay đổi theo để đáp ứng”, ông Phương chia sẻ.
MAI HOÀNG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=290123