Quảng bá hát bội Bình Định gắn với phục vụ du lịch
Tại Hội thảo khoa học “Phục trang, đạo cụ và mặt nạ hát bội Bình Định trong không gian văn hóa hát bội Việt Nam” do Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp với Sở KH&CN tổ chức ngày 5.1, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân đã góp thêm nhiều thông tin để minh định về đặc trưng riêng trong phục trang, đạo cụ, mặt nạ hát bội Bình Định; đề xuất giải pháp quảng bá hát bội Bình Định gắn với phục vụ du lịch.
Nét riêng của hát bội Bình Định
Trong quá trình nghiên cứu tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của các loại hình diễn xướng Việt Nam, các nhà khoa học đã quan tâm đến lý luận sân khấu và cho xuất bản một số đầu sách, công trình khoa học có liên quan hát bội. Nhưng các công trình này chủ yếu phân tích phần kịch bản văn học về nội dung, kết cấu kịch bản…, chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về phục trang, đạo cụ, mặt nạ hát bội Bình Định và những nét đặc sắc có tính khu biệt trong mối quan hệ với các địa phương khác trong và ngoài khu vực Trung bộ.
Do vậy, việc làm rõ những dấu ấn hát bội Bình Định qua phục trang, đạo cụ, mặt nạ sẽ đóng góp lớn cho công tác nghiên cứu hát bội Bình Định. Phân tích thêm những nét khác biệt trong mặt nạ hát bội Bình Định so với Quảng Nam, Đà Nẵng, nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi nghề, am hiểu về hát bội Bình Định đã cung cấp thêm nhiều thông tin.
NSND Xuân Hợi chia sẻ: Các bậc nghệ sĩ hát bội ngày trước dùng từ “kẻ mặt” để nói đến nghệ thuật hóa trang. Ngày xưa chỉ có 3 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ để phối màu kẻ mặt cho từng vai diễn. Hát bội Bình Định hóa trang khác so với Quảng Nam, Đà Nẵng là có khuôn mẫu kẻ mặt kép rằn tròng lõa (đen, đỏ) và tròng xéo (xám, đỏ) theo hình cánh chim, chia khối tam giác trên khuôn mặt, thể hiện lứa tuổi nhân vật người lớn tuổi (tròng lõa), người trẻ tuổi (tròng xéo).
Góp thêm về nét đặc sắc riêng của mặt nạ hát bội Bình Định, tác giả kịch bản Đoàn Thanh Tâm cho biết: Hóa trang trong nghệ thuật hát bội Bình Định mang tính “đại đồng, tiểu dị” tượng trưng lứa tuổi, tính cách, xuất thân… của từng nhân vật. Ngoài nét riêng có khuôn mẫu tròng lõa, tròng xéo, còn có những đường nét, họa tiết khác, nhất là tạo hình thoi trên sống mũi.
Còn theo NSND Minh Ngọc, mỗi vùng miền, địa phương có mỗi cách hóa trang hát bội khác nhau, điều này giúp tô điểm cho sân khấu hát bội truyền thống thêm hấp dẫn. Ngoài nghệ thuật hóa trang, cũng nên quan tâm nghiên cứu đến phục trang, sử dụng đôi hia mũi thuyền mang nét riêng của hát bội Bình Định để thêm điểm nhấn quảng bá phục vụ du lịch.
Nghệ thuật hát bội Bình Định có khá nhiều nét đặc trưng riêng về phục trang, đạo cụ, mặt nạ. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Giữ gìn, quảng bá di sản
Theo TS Võ Minh Hải – Phó trưởng Khoa khoa học xã hội & Nhân văn KHXH&NV Trường ĐH Quy Nhơn, chủ nhiệm đề tài, đề tài nghiên cứu khoa học về phục trang, đạo cụ và mặt nạ hát bội Bình Định trong không gian văn hóa hát bội Việt Nam thực hiện từ năm 2022 – 2024. Nhóm nghiên cứu tập trung phân tích những nét riêng về phục trang, đạo cụ, mặt nạ hát bội Bình Định so với hát bội các vùng miền, một số địa phương khác trong nước; đề xuất mô hình trưng bày phục trang, đạo cụ và mặt nạ hát bội Bình Định để quảng bá phục vụ du lịch.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi nghề đã thống nhất chọn vở San Hậu – vở kinh điển trong kho tàng nghệ thuật hát bội Việt Nam (tương truyền do Đào Duy Từ sáng tác, Đào Tấn nhuận sắc), cùng 3 mẫu mặt nạ tiêu biểu của hát bội Bình Định trong vở tuồng hát bội này với ba nhân vật: Phàn Định Công (lão tướng dạng tròng lõa đỏ), Khương Linh Tá (dạng kép võ tròng xéo) và Tạ Ôn Đình (dạng tướng gộc – tướng lớn, nhân vật phản diện) để in trên tặng phẩm, đồ lưu niệm phục vụ du lịch để giới thiệu về nét đẹp mặt nạ hát bội Bình Định.
Chia sẻ tại Hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, bày tỏ: Nên nghiên cứu thêm sự khác biệt giữa mặt nạ hát bội Bình Định với mặt nạ kinh kịch Trung Quốc vốn có một số nét khá tương đồng, từ đó làm sáng tỏ thêm nguồn gốc, giá trị văn hóa, mỹ thuật của phục trang, mặt nạ, đạo cụ hát bội Bình Định. Từ đó, có giải pháp đầu tư giữ gìn “vốn quý” cha ông trong tiến trình hình thành và phát triển không gian văn hóa hát bội Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Hát bội Bình Định xưa thể hiện trên sân khấu là một triều đình thu nhỏ, nên phục trang thời đó có những nét riêng. Sau năm 1975, nét phục trang đã dần thay đổi, đến nay lại thay đổi nhiều hơn, như trường giáp mặc giống như phim ảnh, cải lương hồ quảng. Điều này khiến tôi rất lo, chúng ta hội nhập chứ đừng hòa tan để rồi đánh mất bản sắc riêng của hát bội Bình Định” – Nghệ nhân PHẠM HOÀNG VIỆT |
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=22&macmp=22&mabb=289391