Tăng cường bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp
Phần lớn các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đều nằm gần khu dân cư và chưa có vành đai cây xanh che chắn. Ngoài ra, nhiều cụm công nghiệp chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng bảo vệ môi trường như hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Do đó, việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp là yêu cầu cấp thiết.
Với 12 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, huyện Tây Sơn là địa phương có số lượng CCN đã đi vào hoạt động nhiều nhất tỉnh. Điều này giúp huyện phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) tại các CCN và khu dân cư xung quanh cũng đặt ra nhiều thách thức.
Một góc CCN Cầu Nước Xanh (Tây Sơn). Ảnh: V.L |
Theo ông Nguyễn Văn Vui, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chức năng liên quan của tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động của các CCN tại địa phương. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến công tác BVMT; đơn cử như xử lý tình trạng phát tán mùi hôi trong quá trình hoạt động sản xuất của 1 DN tại CCN Cầu Nước Xanh (xã Bình Nghi) mới đây.
Ngoài ra, UBND huyện Tây Sơn yêu cầu, nhắc nhở đơn vị quản lý, chủ đầu tư các CCN tăng cường công tác BVMT; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng BVMT như hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các DN, cơ sở sản xuất hoạt động tại các CCN trên địa bàn huyện để kịp thời khắc phục thiếu sót và nâng cao trách nhiệm BVMT.
Tại TX An Nhơn hiện có 9/10 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó nhiều CCN nằm gần khu dân cư như: Bình Định, Gò Đá Trắng, Thanh Liêm… Do đó, thời gian qua, UBND TX An Nhơn và DN là chủ đầu tư các CCN trên địa bàn thị xã thực hiện nhiều giải pháp BVMT, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng môi trường và khu dân cư xung quanh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TX An Nhơn, cho hay: UBND TX An Nhơn đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh thực hiện thủ tục di dời các DN, cơ sở sản xuất ra khỏi CCN Gò Đá Trắng (phường Đập Đá) để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thị xã đã, đang triển khai các hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng mở rộng CCN Tân Đức (xã Nhơn Mỹ) từ 31,5 ha lên gần 50 ha; tạo quỹ đất để đưa các DN, cơ sở sản xuất tại CCN Gò Đá Trắng vào hoạt động. Phần mở rộng CCN Tân Đức được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, gồm các hạng mục như hệ thống giao thông nội bộ; hệ thống cấp, thoát nước; xử lý nước thải; lưới điện và cây xanh.
Ngoài ra, TX An Nhơn đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dùng chung như hệ thống giao thông nội bộ, vỉa hè; cây xanh; chiếu sáng công cộng; thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn tại các CCN: Bình Định (phường Bình Định), Nhơn Hòa (phường Nhơn Hòa) và Thanh Liêm (xã Nhơn An). Qua đó, đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về BVMT theo đúng quy định.
Theo Chi cục BVMT (Sở TN&MT), trên địa bàn tỉnh có 37 CCN đã đi vào hoạt động; trong đó, 26 CCN do nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, 11 CCN do DN làm chủ đầu tư. Phần lớn các CCN nằm gần khu dân cư và chưa có vành đai cây xanh đảm bảo theo đúng quy định. Ngoài ra, nhiều CCN do nhà nước làm chủ đầu tư chưa có hồ sơ môi trường và chưa đầu tư đồng bộ về hạ tầng BVMT, nhất là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Do đó, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cần phân bổ kinh phí đầu tư để lập dự án, hồ sơ môi trường theo đúng quy định và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với các CCN trong năm 2025. Đồng thời, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất, Phòng TN&MT cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình quản lý các CCN; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của các DN, cơ sở tại các CCN để nâng cao công tác BVMT.
UBND tỉnh vừa ban hành văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tham mưu điều chỉnh các nội dung về công tác BVMT đối với các CCN phù hợp điều kiện thực tiễn và tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật BVMT. Sở Công Thương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN, trong đó chú trọng hạ tầng về BVMT, xử lý nước thải tập trung.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương bố trí nguồn kinh phí để hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng các hạng mục công trình BVMT, xử lý chất thải tại các CCN do địa phương làm chủ đầu tư theo quy định.
VĂN LỰC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=288855