Tiến sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh LÊ THANH HẢI: Lưu giữ khoảnh khắc cuộc sống
Là một nhà khoa học lịch sử, giữ vai trò Giám đốc Thư viện Trường ÐH Quy Nhơn, TS Lê Thanh Hải biết cách phát huy thế mạnh của mình đi đôi với ứng dụng chuyển đổi số để hỗ trợ tối đa cho sinh viên, giảng viên trong tìm kiếm tư liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, dạy và học. Nhưng có một điều thú vị là anh được nhiều người biết đến ở vai trò một nghệ sĩ nhiếp ảnh…
Nhiều lần có dịp đồng hành cùng anh trong những chuyến thực tế sáng tác, tôi thấy anh lăn xả khi ghềnh thác núi cao, khi bãi bờ mép sóng để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống, cảnh sắc thiên nhiên.
• Anh đến với nhiếp ảnh cũng đã nhiều năm rồi nhỉ…
NSNA Lê Thanh Hải |
– Nếu tính từ lúc mình biết mình hâm mộ bộ môn nghệ thuật này thì khá nhiều đấy. Từ thời học phổ thông mình đã rất thích nhiếp ảnh. Năm lớp 10 mình được cậu ruột tặng cho một chiếc máy ảnh du lịch chụp bằng phim, thích chụp thế thôi chứ chưa có nhiều hiểu biết về nhiếp ảnh. Phải đến năm 2014, khi dành dụm mua được một chiếc máy ảnh DSLR (Canon 700D) mình mới bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh một cách nghiêm túc.
Ngoài việc tìm tòi để làm chủ thiết bị, mình cũng thường xuyên lên xem ảnh trên các diễn đàn lớn như Hội nhiếp ảnh Canon Việt Nam, Hội mê nhiếp ảnh Aphoto… để học hỏi về bố cục, thiết đặt thông số, đề tài sáng tác, hậu kỳ…
Năm 2017, mình tham gia cuộc thi ảnh “Dấu chân tình nguyện” do Trung ương Đoàn tổ chức với chùm ảnh Màu áo xanh tình nguyện trên đất bạn Lào. Cuộc thi ấy, mình được Ban tổ chức trao giải “Ảnh ấn tượng nhất cuộc thi” và giải nhì ảnh do khán giả bình chọn. Toàn bộ tiền giải thưởng (4,5 triệu đồng) mình đã gửi đến một CLB thiện nguyện của Trường ĐH Quy Nhơn để trao tặng cho những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập.
• Tôi rất ấn tượng với ảnh chân dung của anh! Anh thường lựa chọn nhân vật như thế nào?
Tiến sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Thanh Hải sinh năm 1982, quê ở Thanh Hóa; tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường ĐH Quy Nhơn năm 2005, nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới năm 2023. Hiện anh là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT Bình Định). Những giải thưởng nhiếp ảnh đáng chú ý mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Thanh Hải đạt được: Giải nhì, cuộc thi “Môi trường và đa dạng sinh học” năm 2018, do Sở TN&MT và Hội VHNT Bình Định tổ chức; Giải nhì và giải khuyến khích, cuộc thi “Phụ nữ Bình Định tôn vinh áo dài Việt” năm 2021, do Hội LHPN và Hội VHNT Bình Định tổ chức (VAPA bảo trợ); Giải ba cuộc thi “Vẻ đẹp Việt Nam”, Truyền hình Nhân Dân số tháng 1.2022 (VAPA bảo trợ)… |
– Ảnh chân dung là một thể loại mình rất thích, bởi nó biểu đạt nội tâm của nhân vật và cả những câu chuyện. Trong đó mình thích nhất là những khuôn hình có gam trầm buồn, phản ánh sự vất vả và suy tư của nhân vật. Vì vậy, những lúc rảnh, mình thường rong ruổi qua các con phố, nhất là tìm đến các khu chợ, những mong ghi lại được những khuôn hình chân dung gắn với đời sống thường nhật.
• Và dường như anh khá có duyên với chủ đề môi trường, đa dạng sinh học?
– Vâng, có lẽ cũng bởi đây là chủ đề mình thích, vì nó gắn với các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng của các bạn trẻ; cũng như thú ghi lại hình ảnh của các loài động, thực vật mà mình bắt gặp. Theo đó, mình cũng đã may mắn nhận được một số giải thưởng từ những cuộc thi có chủ đề như thế.
• Tôi còn nhớ tác phẩm Bức họa đồng quê mà anh đạt giải nhì trong cuộc thi “Nét đẹp nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bình Định” năm 2023…
– Đây là tác phẩm được mình ghi lại một cách khá tình cờ. Lần ấy mình ra nhà người em ở Phù Cát chơi, ý định chỉ lấy flycam bay lên để mấy bạn nhỏ trong gia đình xem cho thích, nhưng khi bay lên cao, thì mình phát hiện ở gần đó có một vùng ruộng rất lạ mắt, đặc biệt trên thửa ruộng ấy lại có một chiếc máy cày đang hoạt động, thế là mình vội cho flycam bay đến chớp lại khung hình và kịp quay trở về chỉ với 3% pin lúc hạ cánh, thật hú hồn (cười).
Tác phẩm Bức họa đồng quê của NSNA Lê Thanh Hải. |
• Anh đang làm việc tại Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn. Phải nói rằng, kiến trúc thư viện trường rất hút ánh nhìn, anh đã dành nhiều sáng tác về nơi thân thuộc này?
– Đúng như bạn nói, tòa nhà Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn là một công trình kiến trúc cổ kính, giản dị, sang trọng mà vẫn toát lên vẻ khiêm nhường, nó thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Mình có may mắn được công tác tại ngay chính tòa nhà này, có lẽ vì vậy mà mình “có điều kiện” hơn nhiều người để cảm nhận những sắc thái của nó biến đổi theo thời gian, thời tiết, những hoạt động gắn bó với nó theo mỗi mùa trong năm… Nói nôm na là mình có nhiều cơ hội để hiểu nó hơn. Dù vậy rất thật lòng mà nói mình nghĩ là mình vẫn chưa khám phá hết vẻ đẹp ở đây đâu, nhất là nét giản dị, khiêm nhường.
TS Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về hoạt động của Thư viện Trường ĐH Quy Nhơn với đồng nghiệp. Ảnh: MỘC THƯƠNG |
• Công việc quản lý bận rộn vậy, anh sắp xếp thế nào để dành một khoảng thời gian cho đam mê của mình?
– Nhiếp ảnh là lĩnh vực đam mê nhưng cũng đồng thời là hoạt động giúp mình giảm thiểu căng thẳng và cân bằng cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, mình thường dành những khoảng thời gian cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ để sáng tác hoặc tìm hiểu, nghiên cứu về nhiếp ảnh.
Một mùa Xuân mới lại sắp về, mình rất muốn tận dụng khoảng thời gian nghỉ lễ tết để ghi lại những hoạt động, không khí đón xuân tại Bình Định và những miền đất trên hành trình du xuân của mình. Hy vọng đó sẽ là những khung hình để lại cho mình nhiều cảm xúc.
• Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
• Quản lý thư viện với hàng chục nghìn đầu sách, anh quán xuyến kho dữ liệu ấy thế nào để phục vụ việc nghiên cứu, học tập của giảng viên, sinh viên nhà trường một cách tốt nhất?
– Tòa nhà thư viện Trường ĐH Quy Nhơn không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, nơi đây cũng là một “tàng thư” hàng đầu trên địa bàn tỉnh Bình Định, lưu trữ hàng chục nghìn đầu tài liệu để đáp ứng cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn đọc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý và khai thác vốn tài liệu này, trong những năm gần đây Thư viện đã được nhà trường đầu tư trang bị phần mềm quản lý thư viện mới, cùng hệ thống các máy móc tra cứu, quản lý tài liệu hiện đại. Nhờ đó năng lực hoạt động đã được cải thiện một cách đáng kể, số lượng bạn đọc đến với Thư viện ngày càng đông đảo hơn.
Đồng thời, Thư viện tăng cường các dịch vụ trực tuyến để phục vụ bạn đọc (mượn, trả tài liệu, khai thác kho tài nguyên số…), đã và đang đẩy mạnh số hóa tài liệu, phát triển Thư viện số.
Trong những năm gần đây, Thư viện ĐH Quy Nhơn đã ngày càng mở rộng hơn khả năng kết nối và phục vụ cộng đồng. Thư viện đã tham gia vào mạng lưới Liên hợp Thư viện Việt Nam, Thư viện số dùng chung các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ký kết thỏa thuận hợp tác, chia sẻ tài liệu với nhiều trường đại học lớn ở Việt Nam (ĐH Cần Thơ, ĐH Thái Nguyên, ĐH Nha Trang, ĐH Đà Lạt…).
Đặc biệt, Thư viện ĐH Quy Nhơn đang hướng đến mở rộng chia sẻ vốn tài liệu số cho giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định có thể truy cập, khai thác.
MỘC THƯƠNG (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=288200