THẢO LUẬN TỔ TẠI KỲ HỌP THỨ 20 HÐND TỈNH (KHÓA XIII):
Tìm cách tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn” trong phát triển KT-XH, nâng cao giá trị nông sản, quan tâm sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi… là những vấn đề được các đại biểu HÐND tỉnh tập trung phân tích, thảo luận trong phiên thảo luận tổ diễn ra chiều 10.12.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XIII. Ảnh: H.P |
Đánh giá chung về tình hình KT-XH năm 2024, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều có chung nhận định: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh tăng 7,78%, xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và xếp thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Thu ngân sách, trong điều kiện khó khăn nhưng đến cuối năm 2024 vẫn đạt 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Khơi thông “điểm nghẽn”, đẩy mạnh tăng trưởng
Tuy nhiên, nhiều ĐB còn tỏ ra băn khoăn với một số chỉ tiêu thực hiện chưa đảm bảo cần phải có sự phân tích, đánh giá thấu đáo. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) cho rằng, năm 2024, vẫn còn có một số chỉ tiêu chưa đạt. Đó là tốc độ tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt 9,1% (kế hoạch 10,5%). Bên cạnh đó là các chỉ tiêu thành phần thực hiện chưa đảm bảo như: Tăng trưởng nông – lâm – thủy sản chỉ đạt 3,04% (kế hoạch 3,2 – 3,6%); xây dựng chỉ đạt 7,61% (kế hoạch 12,2 – 13%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chỉ đạt 7,95% (kế hoạch 9 – 9,5%).
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) đề nghị UBND tỉnh, các ngành chuyên môn có phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân các chỉ tiêu chưa đạt để có giải pháp cụ thể đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2025. Ảnh: H.P |
“Về thu hút đầu tư, tính đến cuối tháng 11, toàn tỉnh thu hút được 61 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13.852 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 18,6% về số dự án và giảm 6,45% về tổng vốn đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh, các ngành chuyên môn cần có phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2025”, ĐB Hùng đề nghị.
Góp ý về chỉ tiêu phát triển năm 2025, tỉnh đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) từ 7,6 – 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%, các ĐB đề nghị cần có các giải pháp cụ thể, khả thi. ĐB Đoàn Đức Tùng (đơn vị Quy Nhơn) cho rằng: “Để đạt được chỉ tiêu này, tỉnh cần quan tâm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư dự án quy mô lớn, nhất là lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ AI”.
ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) đề xuất quyết liệt thu hồi các dự án chậm thực hiện, triển khai không khả thi. Ảnh: H.P |
Liên quan đến việc xử lý các nhà đầu tư chây ỳ, chậm triển khai các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (đơn vị Vĩnh Thạnh) đề xuất quyết liệt thu hồi các dự án chậm thực hiện, triển khai không khả thi. “Có nhiều dự án đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không chịu triển khai. Vì vậy, tỉnh nên mạnh dạn thu hồi, kêu gọi DN khác có đủ năng lực vào đầu tư”, ĐB Vũ đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Mai Việt Trung (đơn vị An Nhơn) cũng cho rằng bên cạnh hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện nhanh dự án, cũng cần phải kiên quyết thu hồi các dự án đối với các nhà đầu tư không triển khai, tránh để lãng phí đất đai, nhất là đối với địa điểm có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư khác.
Quan tâm giải quyết đầu ra cho nông sản
Trên lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh việc đánh giá cao hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều ĐB bày tỏ sự bức xúc về tiến độ triển khai các dự án nhà máy chế biến nông sản triển khai khá chậm. ĐB Nguyễn Văn Lê (đơn vị Phù Cát) bày tỏ băn khoăn về các chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được áp dụng nhiều và mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
“Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định. Sở NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao cho hơn 100 hộ chăn nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, khi đến thời điểm xuất bán bò thì không có liên kết đầu ra, các hộ nuôi vẫn phải bán cho thương lái. Bò nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng bán với giá bình thường”, ĐB Lê dẫn chứng.
Còn ĐB Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) trăn trở: “Các dự án chế biến nông sản đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh đều triển khai khá chậm, do vậy ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nông dân thì cố gắng làm ra sản phẩm hàng hóa nhưng khi tiêu thụ thì gặp nhiều ách tắc. Các nhà máy chế biến thì chậm triển khai. Đề nghị tỉnh phải có giải pháp quyết liệt”.
ĐB Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhìn chung đáp ứng phục vụ nhu cầu nhân dân địa phương, nhưng chưa có nhiều những sản phẩm có giá trị cao, trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang thương hiệu của tỉnh có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Do đó, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương quan tâm, có những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn trong xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Các đại biểu thảo luận ở tổ vào chiều 10.12. Ảnh: H.P |
Sớm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi
Tại phiên thảo luận tổ, một vấn đề cũng được nhiều cử tri quan tâm là nhiều công trình kênh mương nội đồng, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp nhưng chậm được nâng cấp, sửa chữa. ĐB Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) phát biểu: Trên địa bàn huyện Tuy Phước có nhiều tuyến kênh mương do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, vận hành, tuy nhiên hiện đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Cử tri liên tục có kiến nghị quan tâm nâng cấp, sửa chữa. Vấn đề này, tại các kỳ họp HĐND lần trước, ĐB cũng đã chất vấn lãnh đạo các sở, ngành chức năng và đơn vị khai thác thủy lợi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Bình Thanh (đơn vị Tây Sơn) đề nghị UBND tỉnh và đơn vị tham mưu có sự quan tâm thực hiện bài bản hơn, có sự phân loại các kênh mương, hồ chứa nước nào được ưu tiên đầu tư trước, rồi công trình nào đề nghị Trung ương đầu tư, tỉnh đầu tư, công trình nào giao cho địa phương chủ động thực hiện, có như vậy mới từng bước giải quyết được.
“Đây là việc quan trọng liên quan đến sản xuất hằng ngày của bà con nông dân nên các sở, ngành, UBND tỉnh phải hết sức quan tâm”, ĐB Thanh nói.
Giải trình vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thừa nhận việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, kênh mương chậm được thực hiện. Đây cũng là vấn đề tồn tại, hạn chế đã chỉ ra tại kỳ HĐND tỉnh lần trước, có nguyên nhân quan trọng từ những khó khăn trong kinh phí hoạt động của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Cùng với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, thời gian tới UBND tỉnh sẽ có những giải pháp căn cơ hơn, chỉ đạo thực hiện tổng rà soát lại toàn bộ kênh mương, hồ thủy lợi, công trình đập dâng trên địa bàn tỉnh để đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Sau đó giao về cho các địa phương cùng phối hợp quản lý tốt hơn.
Cần quan tâm đến công tác giảm nghèo
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện khá tốt với những kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo được thực hiện thiết thực và kịp thời. Trong đó, có giải pháp sàng lọc hộ nghèo, phân công nhiệm vụ và phân tích nguyên nhân nghèo; từ đó có phương án hỗ trợ vốn, kỹ năng sản xuất kinh doanh, kiến thức và phương tiện, công cụ sản xuất cho hộ nghèo. Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh không còn hộ nghèo, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương triển khai quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo, nhất là việc chỉ đạo giải quyết đất ở cho người dân.
ĐB Phạm Văn Nam (đơn vị An Lão)
Quan tâm xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan đội tàu đánh bắt xa bờ
Bình Định hiện có hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Tất cả các tàu cá đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít tàu cá khi đang tham gia đánh bắt xa bờ lại ngắt kết nối, mất liên lạc. Để xác định rõ nguyên nhân do đâu lại rất khó vì có nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ. Do vậy, đề nghị tỉnh nên nghiên cứu thống nhất giao cho một đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ cho tàu cá đánh bắt xa bờ để dễ dàng kiểm soát, xử lý.
ĐB Phan Trường Sơn (đơn vị Hoài Nhơn)
N.HÂN – H.THU – H.PHÚC – K.ANH
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=287981