Giữ hồn cốt dân tộc Bana Kriêm
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh dành cả đời mình để góp phần lưu giữ hồn cốt văn hóa Bana Kriêm. Ông đã in hàng chục đầu sách nghiên cứu, sưu tầm về đời sống văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, tập sách gần đây nhất của ông – Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Ðịnh ra mắt bạn đọc đầu năm 2024 là công trình dày dặn có tính hệ thống với nhiều nét độc đáo về văn hóa Bana Kriêm.
“Từ điển sống” của người Bana Kriêm
Nhiều người trong cộng đồng người Bana Kriêm ví nhà nghiên cứu Yang Danh như một “từ điển sống” của dân tộc họ. Họ dành cho ông sự kính trọng, bởi sự hiểu biết thấu đáo cùng những đắm đuối, tâm huyết của ông trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống Bana Kriêm. Năm 2024, ông ra mắt bạn đọc công trình Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định với hơn 420 trang. Đó là thành quả của những kỳ công điền dã, sưu tầm, nghiên cứu nhiều năm qua của ông.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh (bên trái) điền dã đến cơ sở tìm hiểu về các loại nhạc cụ và giai điệu dân gian của người Bana Kriêm. Ảnh: NGÔ PHONG |
• Chúc mừng ông! Hẳn ông đã dành nhiều công sức cho tập sách này?
– Tôi đã in nhiều sách, nhưng có thể nói đây là tập dày dặn và công phu hơn cả. Tôi đã ấp ủ về cuốn sách này từ rất lâu, và thực hiện nó trong thời gian dài. Thật đáng quý khi sách được Hội VHNT Bình Định hỗ trợ xuất bản theo Quy chế hỗ trợ các hoạt động sáng tạo VHNT giai đoạn 2021 – 2025.
Có thể nói, người Bana Kriêm Bình Định gần như có năng khiếu bẩm sinh về cái đẹp đời thường. Những con người ấy, đến với cái đẹp, cái hay một cách tự nhiên, phóng khoáng, như chính tâm hồn họ rung động, say sưa trước thiên nhiên và cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Họ tạo dựng nhiều giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Thế nhưng chúng ta có thể thấy, những di sản mà tổ tiên người Bana để lại, một phần không nhỏ đã và đang mai một. Cuốn sách như một sự lưu giữ chút gì đó cho thế hệ mai sau về văn hóa dân tộc mình, vừa tự hào nhưng cũng vừa lo lắng trước những tàn phai…
• Ông có thể khái quát thêm nội dung chính mà công trình hướng đến?
– Qua sách, tôi giới thiệu hai nội dung chính là “Đặc điểm văn hóa vật chất” và “Đặc điểm văn hóa tinh thần” của người Bana Kriêm.
Ở phần đầu, tôi giới thiệu khái lược và đi sâu tìm hiểu về làng, nhà rông truyền thống, các loại nhạc cụ cổ truyền như pơ lơng khơng, đàn goòng, tơ rưng, tơ lía, cồng chiêng…; nghề dệt, đan truyền thống. Phần hai, tôi đi sâu vào khảo cứu về các loại hình như dân ca, truyện kể dân gian, lễ tục cưới hỏi, tri thức dân gian.
• Đọc tác phẩm, tôi khá ấn tượng với phần viết về dân ca Bana Kriêm…
– Thật khó hình dung nếu đời sống của người Bana Kriêm thiếu vắng lời ca, tiếng hát mang tâm hồn mình, kể về những gì thân thuộc như gia đình, anh em, người thương, rừng núi, xóm làng…
Cuộc sống khúc xạ vào lời hát chân thật, thực trạng, tình cảm của từng con người. Như khi lời ca cất lên cho tình yêu đôi lứa, ta cảm nhận được sự giản dị, chân thành: Tôi muốn xem hoa đẹp, rung reng/ Tôi muốn xem mầm nhú ở trên cành/ Tôi muốn hoa nở thật nhanh/ Hoa đẹp tôi muốn nâng nhẹ/ Nhưng sợ con kiến ở trong cây/ Sợ con ong vây quanh ổ/ Tim ơi! Sao cứ đau xót hoài…
Công trình Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh. Ảnh: NGÔ PHONG |
Kết nối và thắp lửa
Nhiều năm nay, nhà nghiên cứu Yang Danh là người tham gia biên soạn từ điển Bana Kriêm, tiến hành điền dã, ghi âm và chuyển ngữ những bài sử thi của người Bana xưa. Năm 2024, ông tiếp tục là nhân tố chính được lựa chọn để giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, ông còn là Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, thuộc Hội VHNT Bình Định, là người “thắp lửa” trong các hoạt động của Chi hội.
• Đầu năm 2024 đến nay ông khá bận rộn với công việc giảng dạy tiếng Bana Kriêm?
– Tỉnh Bình Định đang thực hiện Đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Chăm, Bana, H’rê cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các huyện. Từ đầu năm 2024 đến nay, tôi tham gia giảng dạy tiếng Bana cho 3 lớp ở hai huyện Hoài Ân và Phù Cát với hơn 100 học viên.
Tại đó, học viên được học cách phát âm, đọc, viết tiếng Bana Kriêm và tìm hiểu 10 chủ đề về gia đình, dòng họ, xóm làng, truyền thống văn hóa dân tộc, thiên nhiên và môi trường… Qua đó, các học viên sẽ hiểu được phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của người Bana ở tỉnh Bình Định, phục vụ cho nhu cầu giao tiếp và sử dụng trong công tác.
• Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, ông có thể chia sẻ về những hoạt động chính của Chi hội trong năm?
– Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số có khá ít hội viên, chỉ có 16 người, chủ yếu là người Bana, Chăm Hroi, H’rê. Đến nay, Chi hội đã sưu tầm được gần 10 bài sử thi – hơ’mon của người Bana.
Một số thể loại thơ văn, nhạc cụ truyền thống của từng dân tộc đã bước đầu được sưu tầm, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị. Đề tài nghiên cứu về chữ viết truyền thống của 3 dân tộc Bana, Chăm Hroi và H’rê đã được in ấn thành tài liệu.
Một số tác phẩm có giá trị, phản ánh sâu các lĩnh vực về lễ hội, phong tục tập quán đã được in ấn, xuất bản, truyền bá tận vùng đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, riêng chữ Bana, đã tổ chức được 5 khóa truyền dạy cho các cán bộ, công chức đang công tác trên địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn và một khóa cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ CHQS tỉnh.
• Năm 2025, tròn 50 năm cho một hành trình dài sau ngày đất nước thống nhất, ông có định thực hiện điều gì xứng tầm không…
– Đúng vậy, 50 năm là một chặng đường dài mà tất cả chúng ta đã đi, có lẽ lĩnh vực nào cũng sẽ có cuộc “đại tổng kết” của riêng mình. Năm sau, Chi hội sẽ phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian đề xuất Hội VHNT tỉnh tổ chức lớp tập huấn văn nghệ dân gian, tiếp tục phát huy năng lực của từng hội viên. Cá nhân tôi cũng sẽ hoàn thiện một số công trình sưu tầm nghiên cứu về văn hóa Bana Kriêm và có kế hoạch in ấn trong năm 2025.
Tôi muốn lưu giữ lại hồn cốt dân tộc mình cho thế hệ mai sau, nên sẽ tiếp tục với con đường này đến khi đôi tay còn khỏe, cái chân còn sức đi và lòng mình còn yêu mến.
• Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh sinh năm 1946, là người dân tộc Bana, hiện đang sinh sống tại xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh. Ông đang là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Ông đã in hơn chục công trình nghiên cứu và đạt nhiều giải thưởng: Cột cúng – Chơ Mrững của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2013), Lễ tục cưới hỏi của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2014), Công cụ săn bắt chim, thú, tôm cá của người Bana Kriêm (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2016), Nông cụ truyền thống của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2017), Rông truyền thống của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba A, Hội VNDG Việt Nam – 2019), Bếp lửa, cầu thang nhà sàn của người Bana Kriêm (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2020), Trống Pơ nâng – Sơ gâc của người Bana Kriêm – Bình Định (Giải Ba B, Hội VNDG Việt Nam – 2022)…
Ngoài ra, ông đạt hai giải A, Giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu lần thứ V (2011-2015) và VI (2016-2020).
NGÔ PHONG (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=287496