Thí điểm giao chỉ tiêu đầu tư phát triển cụm công nghiệp: Nâng cao vai trò, trách nhiệm chủ đầu tư
Trong 11 tháng đầu năm 2024, dù còn đối mặt nhiều khó khăn, việc triển khai các chỉ tiêu đầu tư phát triển cụm công nghiệp tại Bình Định đã đạt những kết quả tích cực. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để làm rõ tình hình.
Ông Võ Mai Hưng. Ảnh: NVCC |
* Ông có thể cho biết, tình hình phát triển CCN tại tỉnh hiện nay như thế nào?
– Hiện tại, Bình Định có 38/46 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 950,3 ha. Trong đó, diện tích đất đã cho các DN thứ cấp thuê hoặc có chủ trương đầu tư là 772,8 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 81,3%. Đây là mức cao hơn trung bình cả khu vực lẫn cả nước.
Tỉnh đã giao chỉ tiêu thu hút 8 – 10 CCN do DN làm chủ đầu tư hạ tầng đến năm 2025. Đến nay, đã thu hút 8 chủ đầu tư với tổng diện tích 258,8 ha và tổng vốn đầu tư 1.255 tỷ đồng. Đặc biệt, CCN Bùi Thị Xuân đã được UBND tỉnh mở rộng theo Quyết định số 4033/QĐ-UBND ngày 21.11.2024, nâng tổng số lên 18 CCN do DN làm chủ đầu tư với tổng diện tích 596,3 ha, vốn đầu tư đạt 2.982,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 9 DN khác đang quan tâm đầu tư với tổng diện tích 463 ha và vốn đầu tư 2.497 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Bình Định dự kiến vượt chỉ tiêu được giao 3 – 5 CCN vào năm 2025.
*Vậy những chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư các CCN trong năm 2024 có được đảm bảo không, thưa ông?
– Năm 2024, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu đầu tư phát triển 44 dự án CCN. Đến nay, 18/44 CCN đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Trong đó: Các CCN do DN làm chủ đầu tư có 6/17 dự án hoàn thành chỉ tiêu, 10/17 dự án tiếp tục triển khai và 1 dự án dự kiến không đạt chỉ tiêu là CCN Bình An (huyện Tuy Phước). Các CCN do đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư có 12/27 dự án hoàn thành chỉ tiêu và 15/27 dự án tiếp tục triển khai.
Năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu đầu tư phát triển CCN. Đây được coi là bước thí điểm với kết quả đáng khích lệ. Qua đó, vai trò và trách nhiệm của các chủ đầu tư đã được nâng cao, góp phần phục vụ tốt hơn các DN thứ cấp. Hiện Sở đang phối hợp với các ngành, địa phương và chủ đầu tư rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng chỉ tiêu năm 2025, đảm bảo hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư hiệu quả.
Công ty CP Năng lượng xanh Nhơn Tân đầu tư Nhà máy sản xuất viên nén và nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu với công suất 300 nghìn tấn viên nén và 300 nghìn tấn dăm băm mỗi năm tại CCN Nhơn Tân 1, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN |
* Còn những khó khăn, vướng mắc khiến các CCN chưa hoàn thành chỉ tiêu là gì?
– Dù đạt được nhiều thành tựu, quá trình phát triển CCN vẫn gặp không ít khó khăn:
Thứ nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc chuyển đổi đất lúa và trồng rừng thay thế rất phức tạp và mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Về giải phóng mặt bằng, công tác bồi thường còn chậm do đơn giá cao, một số hộ dân chưa đồng tình hoặc không chịu di dời dù đã nhận tiền bồi thường. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Tiếp đến, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Một số chủ đầu tư chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, PCCC… dẫn đến tiến độ xây dựng chậm và thiếu đồng bộ. Đối với hạ tầng ngoài CCN, một số địa phương chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đồng bộ. Nhiều tuyến đường kết nối có lộ giới nhỏ, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Công tác xúc tiến đầu tư cũng chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Hầu hết chủ đầu tư chỉ tham gia các hoạt động do UBND tỉnh tổ chức mà chưa chủ động triển khai các chương trình riêng.
* Để tháo gỡ khó khăn, giúp các CCN phát triển như kỳ vọng, Sở Công Thương sẽ thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?
Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Tập trung chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa và trồng rừng thay thế. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các CCN có diện tích đất lúa nhỏ hơn 10 ha, hạ tầng thuận lợi.
Đề nghị các địa phương hoàn thiện và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư cần lên kế hoạch vốn để chi trả, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết và bố trí vốn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, khắc phục nhanh chóng các hư hỏng để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ DN tiềm năng đầu tư vào CCN. Công khai minh bạch các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích chủ đầu tư tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến do tỉnh tổ chức. Huy động sự phối hợp từ các ngành và địa phương để đồng bộ hạ tầng ngoài hàng rào CCN, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển và lưu thông hàng hóa.
Những giải pháp trên không chỉ tháo gỡ khó khăn hiện tại mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của hệ thống CCN tại Bình Định, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế địa phương một cách toàn diện.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=287323