Bao bì bắt mắt, có điểm giới thiệu sản phẩm làm tăng độ nhận diện thương hiệu
Công ty TNHH MTV VITA (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vừa đưa vào hoạt động điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Theo ông Đặng Ngọc Vũ – đại diện Công ty, đây là điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Bình Định do đơn vị sản xuất, như bột bánh canh, bánh hỏi từ rau, củ, quả. Tổng mức đầu tư mua sắm các trang thiết bị hơn 70 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương Bình Định hỗ trợ 35 triệu đồng.
Khuyến công Bình Định hỗ trợ Công ty VITA xây dựng phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm |
Đại diện Công ty VITA cho hay, hiện nay, về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đã có thể cạnh tranh được với nhiều sản phẩm khác cùng loại. Tuy nhiên, độ nhận diện, độ phủ sản phẩm chưa cao do khâu xúc tiến thương mại đơn vị thực hiện chưa hiệu quả. “Tôi kỳ vọng thông qua việc được hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm cùng các hỗ trợ khác của ngành Công Thương Bình Định sẽ giúp doanh nghiệp định vị, khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm đến gần, rộng rãi hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”, ông Vũ nói và thông tin thêm, việc đầu tư xây dựng phòng trưng bày bước đầu đã phát huy hiệu quả khi thu hút được một lượng khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, mua sản phẩm. “Từ kết quả tích cực bước đầu, Công ty VITA dự định sẽ mở rộng quy mô trưng bày giới thiệu sản phẩm (đưa ra vị trí đẹp hơn) kết hợp với làm du lịch trải nghiệm làm sản phẩm để thu hút khách du lịch, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vừa quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến với du khách, người tiêu dùng” – ông Vũ cho hay.
Ngoài được thụ hưởng hỗ trợ để xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm, Công ty VITA còn được chương trình khuyến công hỗ trợ kinh phí đổi mới máy móc, thiết bị; hỗ trợ tư vấn thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm. “Những hoạt động hỗ trợ từ chương trình khuyến công Bình Định rất thiết thực đối với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn quy mô nhỏ như Công ty VITA để chúng tôi mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện sản phẩm cả về sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, hướng đến phát triển mạnh mẽ hơn cả về quy mô và chất lượng”, ông Vũ chia sẻ.
Từ nguồn kinh phí khuyến công Bình Định hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa sản phẩm hiệu quả |
Công ty TNHH Dulah (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) vừa đổi mới bao bì đóng gói sản phẩm trà túi lọc và hộp đựng trà bắt mắt hơn. Bà Đặng Thị Cẩm Lai – Giám đốc Công ty – cho biết, đây là kết quả từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định thông qua việc hỗ trợ kinh phí khuyến công hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm cho đơn vị. “Tổng kinh phí thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm trà nụ hoa hòe là 50 triệu đồng. Trong đó, đơn vị được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương Bình Định năm 2024 là 25 triệu đồng. Đây là sự hỗ trợ, động viên rất thiết thực và là sự động viên, khích lệ rất lớn cho công ty Dulah để chúng tôi tự tin hơn chinh phục người tiêu dùng”, bà Lai chia sẻ và cho biết, qua thời gian thiết kế đóng gói bao bì mới cho sản phẩm trà nụ hoa hòe của Công ty TNHH Dulah đã được khách hàng chọn mua và đặt hàng nhiều hơn, sản phẩm có mẫu mã đẹp, được ghi đầy đủ thông tin theo từng loại hàng, trọng lượng và thời hạn bảo quản được in trên bao bì và vận chuyển tiện lợi. “Doanh nghiệp mong muốn, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của ngành Công Thương Bình Định để những cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhỏ như chúng tôi có nhiều hơn cơ hội “lớn lên”, mở rộng sản xuất và phát triển tăng quy mô thị trường”, bà Lai bày tỏ.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển
Ông Văn Thái Toàn – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bình Định – cho biết, năm 2024, tỉnh dành gần 4,82 tỷ đồng cho các hoạt động khuyến công địa phương, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Các hoạt động chính gồm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiên vào sản xuất, chế biến gỗ, hàng wichker, thực phẩm; hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư xây dựng phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm với kinh phí hỗ trợ 105 triệu đồng (35 triệu/1 cơ sở); hỗ trợ cho 10 cơ sở thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng (25 triệu/cơ sở).
Trong đó, nổi bật là hoạt động hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm. Theo ông Văn Thái Toàn, trong sản xuất, kinh doanh, ngoài việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, các cơ sở công nghiệp nông thôn còn cần phải chú trọng tính thẩm mỹ, sự khác biệt và cách thức quảng bá sản phẩm. “Việc đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm là hai yếu tố không kém phần quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, đây là sự đầu tư thông minh và hiệu quả nhất”, ông Văn Thái Toàn đánh giá.
Nghiệm thu đề án hỗ trợ khuyến công Bình Định năm 2024 |
Ông Văn Thái Toàn cho biết, thông qua việc hỗ trợ, đã giúp cơ sở công nghiêp nông thôn thay đổi tư duy, ý tưởng, chú trọng hơn trong việc quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì; tạo ra giá trị khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; để từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị trong thời kỳ hội nhập. “Qua theo dõi các đơn vị được hỗ trợ đều phát huy được hiệu quả của đề án, các sản phẩm đưa ra thị trường ngày càng bắt mắt, thông tin sản phẩm rõ ràng hơn, người tiêu dùng đã và đang quen dần với các sản phẩm của Bình Định”, ông Văn Thái Toàn nói.
Theo ông Văn Thái Toàn, trong thời gian tới, ngành Công Thương Bình Định sẽ tiếp tục và luôn đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn trong thực hiện chính sách hỗ trợ phòng trưng bày và thuê tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm, giúp các cơ sở cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã bao bì sản phẩm, thu hút khách hàng và sản phẩm có thể cạnh tranh, đứng vững trên thị trường. “Trung tâm cũng định hướng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn bên cạnh việc thay đổi mẫu mã bao bì, cần quan tâm chú trọng đến vật liệu sử dụng làm bao bì đóng gói sản phẩm phải thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên toàn cầu”, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định Văn Thái Toàn thông tin.