Chủ động ứng phó với bão số 7 (YINXING)
(BĐ) – Chiều 8.11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai – chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 7 (tên quốc tế là YINXING). Buổi họp có sự tham gia của lãnh đạo nhiều địa phương, trong đó tại điểm cầu UBND tỉnh, ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, cùng các lãnh đạo cấp huyện, thị xã và thành phố.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Theo cập nhật từ Văn Phòng Thường trực về Phòng chống thiên tai tỉnh, vào lúc 10 giờ sáng 8.11, bão YINXING di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 15 km/h. Vị trí tâm bão nằm tại 18,3 độ Vĩ Bắc, 118,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13 – 14, giật trên cấp 17. Trong 24 giờ tới, bão dự kiến di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15 – 20 km/h, đến sáng 9.11, vị trí tâm bão sẽ ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc, 115,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430 km về phía Đông Bắc. Vùng biển Bình Định, bao gồm xã đảo Nhơn Châu, dự kiến có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, giật cấp 6 – 7, sóng cao từ 2 – 3 m.
Bình Định hiện đã thu hoạch được 2.336 ha lúa trên tổng diện tích 4.520 ha vụ Mùa 2024, đạt khoảng 51,7%. Phần lớn diện tích lúa tại các vùng trũng dễ ngập đã thu hoạch xong, trong khi diện tích còn lại chủ yếu là lúa gieo khô ở vùng cao, đang trong giai đoạn trổ – ngậm sữa. Các loại cây trồng khác đã được thu hoạch hết.
Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh Bình Định hiện có 6.239 tàu cá, đa số đang neo đậu và hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng biển cả nước. 47 tàu hoạt động xa bờ từ Quảng Ngãi trở ra đã nhận thông tin về bão số 7 và sẵn sàng di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần. Đồng thời, toàn tỉnh có 2.427 lồng/bè nuôi biển với khoảng 70.717 m³, chủ yếu nuôi cá biển, tôm hùm và mực lá, tập trung ở TP Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Để bảo vệ người và tài sản, UBND tỉnh đã yêu cầu người dân nhanh chóng thu hoạch phần nuôi trồng còn lại và di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, tránh việc người dân ở lại trên các lồng bè khi có sóng lớn và bão vào.
Để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, UBND tỉnh chỉ đạo theo dõi sát sao việc vận hành liên hồ chứa sông Kôn – Hà Thanh, đặc biệt các hồ lớn như Định Bình, Đồng Mít, Núi Một và Thuận Ninh. Mực nước tại các hồ này hiện ở mức thấp so với ngưỡng tràn, đủ khả năng đón nước lũ. Tính đến đầu tháng 11, mực nước hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) ở mức thấp hơn 11 m so với mực nước bình thường, trong khi các hồ Núi Một và Thuận Ninh thấp hơn ngưỡng tràn từ 6 – 7 m. Hiện nay, Sở NN&PTNT đang chỉ đạo duy trì mực nước hồ ở ngưỡng tràn đối với hồ Định Bình ở cao trình +80,93m và hồ Đồng Mít ở cao trình +86.10m. Tiếp tục theo dõi diễn biến đường đi của bão và dự báo mưa để vận hành theo quy trình cho phù hợp, bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu ngập lụt hạ lưu và trữ đủ nước phục vụ sản xuất Đông Xuân năm 2024 – 2025 và cả năm 2025. Các cửa đập công trình trên sông đã được kéo lên, đảm bảo dòng chảy thông thoáng để thoát lũ. Hệ thống đo mưa, đo mực nước trên các sông ngòi và hồ chứa lớn cũng được kiểm tra và hoạt động tốt.
Cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về công tác ứng phó với bão số 7. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Trước đó, từ ngày 6 – 7.11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to, trung bình 159mm, lớn nhất là 407mm tại trạm An Toàn (huyện An Lão). Mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây ngập một số tuyến đường giao thông, các đường tràn tại các huyện miền núi và trung du (An Lão, Vĩnh Thạnh và Hoài Ân). Hiện nay, một số tuyến đường giao thông nông thôn tại các địa phương không còn ngập, bảo đảm giao thông đi lại thông suốt; một số địa phương có báo cáo thiệt hại nhưng không đáng kể…
Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh bão số 7 là cơn bão có cường độ mạnh và diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương phải duy trì tinh thần chủ động, cảnh giác cao. Ông yêu cầu không được chủ quan và phải triển khai tối đa các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả do bão số 6 và ba đợt mưa lớn gây lũ lụt vừa qua, đặc biệt chú trọng vệ sinh môi trường và xử lý các điểm sạt lở đất. Ông lưu ý cần khuyến cáo bà con chủ động ứng phó với bão lũ, nhất là khi tâm lý người dân đang mệt mỏi sau những đợt mưa lũ kéo dài.
Các địa phương tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm và về nơi trú an toàn. Tất cả người dân trên lồng bè, chòi canh phải di dời trước khi bão đổ bộ. Đối với các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét hoặc sạt lở, các địa phương cần sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Vận động nông dân ưu tiên thu hoạch sớm các diện tích nông sản và nuôi trồng thủy sản với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiệt hại. Công tác đảm bảo an toàn cho các hồ chứa và hạ du phải được triển khai nghiêm túc, nhằm đón lũ an toàn và tích trữ nguồn nước phục vụ cho sản xuất Đông Xuân 2024 – 2025 cũng như cả năm 2025.
TRỌNG LỢI
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=286353