Trong cơn mưa lớn, khoảnh khắc hai phi công của máy bay quân sự Yak-130 an toàn trở về đã làm cho những người lính vốn can trường không kìm được nước mắt. Lúc ấy, mọi rào cản về cấp bậc dường như biến mất. Họ ôm chầm lấy nhau mừng vui thắm thiết trào dâng…
Sau hơn 12 giờ tìm kiếm đầy gian khổ, đại tá, phi công Nguyễn Văn Sơn – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 và thượng tá, phi công Nguyễn Hồng Quân – Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 940, đã được lực lượng cứu nạn đưa ra khỏi rừng an toàn vào đêm 6.11. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Quốc phòng và sự phối hợp chặt chẽ giữa Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân khu 5 cùng các LLVT và cơ quan chức năng của tỉnh.
Xuyên đêm băng rừng tìm đồng đội
Ngay sau khi nhận được thông tin máy bay mất liên lạc, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tạm thời đã được thành lập tại Đền thờ Võ Văn Dũng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) dưới sự chỉ huy của đại tá Trần Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5. Sau đó, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Hiền, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn – cũng trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm.
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (giữa) chỉ đạo công tác tìm kiếm. Ảnh: H.P |
Đại tá Trần Thanh Hải cho biết, công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa to, địa hình hiểm trở, khu vực phi công nhảy dù rộng lớn với rừng núi rậm rạp. Đêm tối buông xuống, nhưng quyết tâm không dừng lại, gần 600 cán bộ, chiến sĩ quân đội, lực lượng dân quân tự vệ và dân địa phương đã chia thành nhiều tổ, băng rừng xuyên đêm để tìm kiếm.
Sáng 7.11, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã đến Bệnh viện Quân y 13 để thăm hai phi công Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Hồng Quân. Trung tướng Phạm Trường Sơn và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ân cần thăm hỏi sức khỏe và bày tỏ niềm vui khi hai phi công đã vượt qua mọi khó khăn, nhảy dù thoát nạn an toàn trở về và chúc hai phi công mau bình phục sức khỏe, sớm trở lại thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. |
Trong quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng đã huy động flycam và nhờ đến đội kỹ thuật của Viettel Bình Định để xác định vị trí các phi công.
Nhờ những nỗ lực của đơn vị viễn thông, hai phi công lần lượt bắt được sóng và thực hiện các cuộc gọi, gửi vị trí về đơn vị. Thiếu tá Nguyễn Văn Liển – Phó phi đội trưởng Huấn luyện, Trung đoàn Không quân 940 kể, ngay khi có tín hiệu của phi công Quân, chúng tôi xem bản đồ và băng rừng 2 tiếng mới đến được với anh. Sau đó, mất thêm 2 tiếng nữa mới tiếp cận được vị trí của phi công Sơn và lần lượt đưa các anh ra khỏi rừng.
Bên cạnh lực lượng chính quy, người dân địa phương thông thạo địa hình cũng tham gia tìm kiếm. Các anh Đinh Méc, Đinh Văn Denh (làng Xà Tang, xã Vĩnh An), anh Nguyễn Tùng (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) và anh Nguyễn Quang Ẩn (nhân viên kỹ thuật Viettel Bình Định tại cụm Tây Sơn – Vĩnh Thạnh) đã góp công lớn trong nỗ lực đưa hai phi công trở về an toàn.
Đưa máy bay đến điểm an toàn rồi mới nhảy dù
Là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với đại tá, phi công Nguyễn Văn Sơn khi anh được cứu, tôi chứng kiến anh mỉm cười dù vô cùng mệt mỏi. Trên chuyến xe trở về điểm tập trung, anh Sơn kể với tôi rằng: “Anh tiếp đất từ lúc 11 giờ trưa. Dù bị vướng nên anh bị treo lơ lửng trong rừng. Khi ấy, trong đầu anh chỉ có suy nghĩ là mình sống rồi. Ngay khi rời dù và thoát xuống đất, do điện thoại không có sóng nên anh phải tìm đường leo lên đỉnh núi, đường trơn trượt, té ngã liên tục. Điện thoại chỉ còn 18% pin. Ngay khi bắt được sóng, anh liền gọi về cho thủ trưởng, rồi gửi vị trí về đơn vị. Sức khỏe anh giờ ổn, chỉ là rét chút thôi…”.
Niềm vui của đồng đội khi tìm được vị trí của đại tá, phi công Nguyễn Văn Sơn (giữa). Ảnh: H.P |
Trong khi đó, thượng tá, phi công Nguyễn Hồng Quân chia sẻ: “Đối với cuộc đời phi công, không ai muốn nhảy dù bởi ai cũng muốn cứu máy bay, đảm bảo tài sản quốc gia. Hai anh em chúng tôi quyết tâm hạ cánh bằng được nhưng không thể hạ cánh thành công nên chúng tôi dù rất buồn vẫn phải nhảy dù”.
Thượng tá, phi công Nguyễn Hồng Quân (giữa) được lực lượng cứu nạn đưa ra khỏi rừng. Ảnh: H.P |
Với phương châm không để xảy ra bất cứ thiệt hại nào trên mặt đất, giữ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, 2 phi công đã cố gắng điều khiển chiếc Yak-130 gặp sự cố kỹ thuật tránh xa nơi có dân sinh sống, sau đó mới nhảy dù thoát hiểm. Chấp nhận rủi ro cho bản thân vì khu vực dù hạ cánh có núi cao, vực sâu, địa hình vô cùng hiểm trở.
Hành động chính xác, vô cùng dũng cảm
Dưới cơn mưa nặng hạt, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam luôn túc trực tại khu vực núi Hầm Hô để chào đón và động viên hai phi công khi họ vừa được đưa ra khỏi rừng. Ông xúc động ôm chặt phi công Sơn và nói: “Sơn vẫn rất đẹp trai. Cảm ơn em đã an toàn trở về”.
Trung tướng Phạm Trường Sơn cũng chia sẻ rằng từ trưa ông đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại cho đại tá Sơn với niềm hy vọng không ngừng. “Nhưng người đầu tiên “hắn” gọi khi có sóng là thủ trưởng nhà trường, không phải tôi”, ông cười nói.
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn thăm hỏi sức khỏe phi công Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: H.P |
Trung tướng Phạm Trường Sơn nhận định rằng thành công trong công tác tìm kiếm là kết quả của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và tình cảm lớn lao giữa đồng chí, đồng đội và nhân dân, với quyết tâm đưa các phi công trở về an toàn trong đêm. Bộ Quốc phòng sẽ có hình thức khen thưởng cho các phi công và các lực lượng tham gia cứu nạn vì sự nỗ lực, hy sinh hết mình.
Trung tướng Phạm Trường Sơn nhấn mạnh, quyết định nhảy dù của phi công là hoàn toàn chính xác, bởi khi máy bay gặp sự cố, nếu hạ cánh khẩn cấp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Hai phi công đã dũng cảm lái máy bay tránh xa nơi có dân sinh sống trước khi nhảy dù, cho thấy sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm lớn lao. Hơn nữa, khu vực nhảy dù được phi công tính toán rất chính xác. Đây là sự hy sinh lớn, hành động vô cùng dũng cảm của phi công để dành sự an toàn, tài sản tính mạng người dân.
Thư khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Ngày 7.11, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Ban bay ngày 6.11.2024 của Trung đoàn Không quân 940. Trong thư có đoạn: “Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tôi khen ngợi, biểu dương lãnh đạo, chỉ huy cơ quan chức năng các cấp trong Quân chủng Phòng không – Không quân đã chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng; biểu dương Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn Không quân 940 và các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Ban bay đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức chỉ huy bay chặt chẽ, xử lý kịp thời, linh hoạt tình huống xảy ra; khen ngợi đại tá Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân với trình độ, kinh nghiệm huấn luyện dày dạn và bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao đã bình tĩnh, tự tin, không sợ hy sinh, xác định đúng thời cơ, xử lý kịp thời tình huống bất trắc trên không…”.
HỒNG PHÚC
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=3&mabb=286283