Vùng Duyên hải Trung bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ tổ chức chiều 10.10 tại TP Quy Nhơn đã dành nhiều thời gian để lãnh đạo các tỉnh, thành và DN giới thiệu tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư…
Báo Bình Định ghi nhận ý kiến, chia sẻ của một số đại biểu.
* Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
Bình Ðịnh như một Việt Nam thu nhỏ, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có đủ sông, suối, đầm, hồ và biển; có vị trí địa kinh tế quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế. Ðồng thời, tỉnh có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam; là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Ðông Bắc Campuchia và Thái Lan. Cùng với đó, Bình Ðịnh có chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng vì sự phát triển bền vững của nhà đầu tư.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Bình Định còn sở hữu 134 km bờ biển, vùng lãnh hải rộng 36.000 km2 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70.000 tấn ra vào an toàn, có tiềm năng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ về vận tải, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, cảng biển, logistics của cả nước.
Bình Định còn có tiềm năng, lợi thế lớn về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử với hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá, cảnh quan đẹp, bãi tắm nổi tiếng. Bình Định không chỉ có nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng sạch mà còn là trung tâm vùng nguyên liệu rộng lớn của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Quan điểm phát triển KT-XH của Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển, trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, gắn kết và tác động lan tỏa đối với các tỉnh Bắc Tây Nguyên; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn, dựa trên các trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả các lĩnh vực, lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, Bình Định tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế biển. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và DN lớn trong và ngoài nước.
Bình Định tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, đầu tư vào 5 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Bình Định cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Bình Định không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phong cách làm việc, từ lãnh đạo cấp tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành và hệ thống chính quyền các cấp đều nêu cao tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc tận tụy, minh bạch, nhanh chóng để kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
*Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:
Khánh Hòa xác định rõ định hướng phát triển đến năm 2030 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Hiện Khánh Hòa đang tập trung đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phát triển KT-XH, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào 3 ngành, lĩnh vực chính mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh nhất. Thứ nhất, phát triển dịch vụ chất lượng cao như du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục đào tạo và phát triển đô thị. Thứ hai, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thứ ba, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
* Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận:
Ninh Thuận có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương quốc tế của khu vực và có điều kiện thuận lợi để liên kết phát triển vùng. Hiện Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, khi Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh khu vực Duyên hải Trung bộ.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch cũng xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản; và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị.
Đến với hội nghị này, Ninh Thuận mong muốn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối kêu gọi đầu tư giữa tỉnh Ninh Thuận với các tỉnh trong vùng Duyên hải Trung bộ và TP Hồ Chí Minh; đồng thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận tới các DN, nhà đầu tư. Ninh Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư phát triển bền vững.
*Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp tập trung; xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng đề án trung tâm năng lượng lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; đồng thời, tỉnh đang xây dựng đề án phát triển trung tâm du lịch biển đảo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Quảng Ngãi tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, có tính lan tỏa, kết nối, có giá trị tăng cao, phù hợp với quy hoạch tỉnh và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh trong từng giai đoạn, với nhiều lĩnh vực như: Y tế, dịch vụ, du lịch, môi trường, hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; công nghiệp sản xuất hóa dầu, hóa chất và các sản phẩm dầu khí, công nghiệp bán dẫn; dệt, may mặc… Đến với Quảng Ngãi, các DN, nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả các dự án.
*Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định:
KCN Becamex VSIP Bình Định là một KCN – đô thị hiện đại, năng động với hệ thống hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, chúng tôi đã thu hút hơn 171 triệu USD (tương đương hơn 4.100 tỷ đồng) của các nhà đầu tư đến từ CHLB Đức, Hàn Quốc, Hồng Kong (Trung Quốc), Hà Lan, Singapore đầu tư tại KCN.
Trong tương lai, với quy mô tổng diện tích 1.425 ha, Công ty sẽ thu hút hơn 2 tỷ USD đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho 120 – 150 nghìn lao động địa phương và khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Đầu tư vào KCN, các DN được áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm đầu (mức thuế thu nhập DN bình thường hiện là 20%); miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng với đó, Công ty CP Becamex Bình Định hỗ trợ miễn phí quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; hỗ trợ các chương trình tuyển dụng và kết nối DN với lực lượng lao động chất lượng cao; cung cấp văn phòng miễn phí trước và sau khi nhà đầu tư có đầy đủ pháp nhân. Ngoài ra, Công ty còn có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn khác dành cho người lao động làm việc tại Becamex VSIP Bình Định.
T.SỸ – M.HOÀNG – N.DŨNG (Ghi)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=284813