(MPI) – Ngày 01/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phiên họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham dự Phiên họp có các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cùng các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố có Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua.
Hành lang kinh tế Bắc – Nam có vai trò quan trọng nhất cả nước, kết nối hai cực tăng trưởng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh thành phố và đóng góp trên 51% GDP cả nước. Việc tái cơ cấu không gian phát triển hành lang theo hướng bền vững tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, các vùng và cả nước. Đường sắt là phương thức vận tải quan trọng, với ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đồng bộ, hiện đại, mang tầm vóc quốc tế trở nên khả thi và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại Phiên họp, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đề nghị các thành viên tập trung cho ý kiến vào những nội dung quan trọng, ngắn gọn, súc tích để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, trong đó dự án có sự chuyển đổi đất rừng nên theo quy định của điều 41, Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp thì cần hồ sơ quyết định chủ trương chuyển mục đính sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, để xác định tiêu chí hồ sơ là dự án quan trọng quốc gia thì phải làm rõ, phân loại đất lâm nghiệp, …, cần tính toán hiệu quả về tài chính trong đó tính toán tới việc vận tải hàng hóa, vận tải hành khách…
Theo Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH đề xuất 23 ga hành khách đi qua 20 tỉnh thành, mỗi tỉnh có một nhà ga hành khách. Riêng tỉnh Hà Tĩnh được bố trí hai ga là Hà Tĩnh và Vũng Áng; tỉnh Bình Định có hai ga Bồng Sơn và Diêu Trì; tỉnh Bình Thuận có hai ga Phan Rí, Mương Mán.
Trên tuyến có 5 ga hàng hóa là Ngọc Hồi, Vũng Áng, Chu Lai, Vân Phong, Trảng Bom để phục vụ vận chuyển hàng hóa khi có nhu cầu. Trong đó Ngọc Hồi và Vũng Áng vừa là ga hành khách vừa là ga hàng hóa. Do đó xét tổng thể toàn tuyến, số lượng ga là 26.
Dự án có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (phục vụ cả hành khách và hàng hóa) thuộc xã Liên Ninh và Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trong đó tư vấn có xem xét phương án khai thác chạy tàu tới ga Hà Nội trên tuyến đường sắt đô thị số 1. Cuối tuyến là ga Thủ Thiêm nằm tại phường An Phú, thành phố Thủ Đức, Hồ Chí Minh.
Khoảng cách giữa các ga đảm bảo cự ly tối thiểu khoảng 30 km. Tùy theo biểu đồ chạy của từng tàu để bố trí việc dừng đỗ tại các ga, không phải tàu nào cũng dừng đỗ tất cả ga. Vị trí hướng tuyến và nhà ga đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương. Ga được đặt tại khu trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, tiếp cận trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác nguồn lực quỹ đất.
Từ thành phố Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 19 đô thị có quy mô 500.000 dân trở lên, trong đó có 2 đô thị đặc biệt và 17 đô thị loại 1, bảo đảm khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông công cộng và khai thác có hiệu quả hạ tầng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỷ USD, tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, thành viên tổ chuyên gia là đại diện các Bộ, ngành liên quan đã có những góp ý cụ thể vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam như đề nghị cần có Bản vẽ thể hiện giải pháp sơ bộ, bản vẽ cần bổ sung thêm mặt cắt chính qua ga đảm bảo đầy đủ giải pháp thiết kế; các ý kiến góp ý về hình thức đầu tư, nguồn vốn, căn cứ, tác động của việc thực hiện dự án đối với khu vực và cộng đồng dân cư, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án và tài chính, …
Ý kiến góp ý của các thành viên sẽ được Bộ giao thông vận tải tổng hợp, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề án để báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định. Tại Thông báo số 441/TB-VPCP ngày 30/9/2024 về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, làm rõ những ý kiến của các Bộ, cơ quan, địa phương và của các chuyên gia trong lĩnh vực này để bảo đảm đồng thuận, thống nhất cao cả hệ thống chính trị, Nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV./.