Gốm cổ Gò Sành cho tôi nhiều cảm hứng nghệ thuật
TS Pornsawan Nonthapha (SN 1975) là nghệ sĩ điêu khắc người Thái Lan. Anh hiện là giảng viên nghệ thuật, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Rajabhat Mahasarakham (Rajabhat Mahasarakham University -RMU, Thái Lan). Với nhiều gắn bó với đất và người Bình Định, từ cảm hứng về gốm Chăm của Việt Nam nói chung và gốm cổ Gò Sành ở Bình Định nói riêng, anh đã thực hiện bộ tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, triển lãm ở Thái và tạo được nhiều cộng hưởng… Tiến sĩ, nghệ sĩ điêu khắc Pornsawan Nonthapha đã trò chuyện với Báo Bình Định.
* Chào anh, anh có khá nhiều duyên nợ với đất và người Bình Định…
– Vâng, tôi nghĩ rằng chữ “duyên” ở đây chính là nhân duyên tiền định, khi tôi thành rể của Bình Định từ năm 2016. Chúng tôi vốn là hai người ở hai đất nước, hai nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau vậy mà lại có thể gặp nhau, dành tình cảm cho nhau. Bên cạnh đó, tôi còn có nhân duyên gặp gỡ với nhiều người bạn đều là người Bình Định, ai cũng đều hào sảng và thân tình.
Trước đó tôi chưa từng biết đến vùng đất Bình Định – quê của vợ tôi vốn là kinh đô của vương quốc Champa, là vùng đất có lịch sử lâu đời hàng trăm hàng ngàn năm. Cũng chính những cuộc đi – về ở Bình Định và một số nơi khác của Việt Nam đã tạo cho tôi nhiều cảm hứng để thực hiện công trình liên quan đến gốm Chăm.
Nghệ sĩ điêu khắc Pornsawan Nonthapha tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: V.P |
* Gốm cổ Gò Sành dường như tạo một sức hút đặc biệt với anh?
– Đúng vậy, vì gốm Gò Sành là một loại gốm nổi tiếng tại thời điểm vương quốc Champa phồn thịnh, phát triển rực rỡ với những hoạt động giao lưu văn hóa, buôn bán, sản phẩm của vương quốc đi sâu vào châu Âu lục địa chứ không phải chỉ ở vùng ven biển. Từ quá trình đi điền dã để thu thập dữ liệu cho luận án tiến sĩ tại làng gốm cổ Gò Sành ở An Nhơn, tôi bắt gặp rất nhiều các mảnh gốm cổ còn lại tại nơi này. Tôi cho rằng các vết tích còn sót lại này rất quan trọng và nên đưa vào nghiên cứu sâu cũng như tạo dựng một không gian bảo tồn và học hỏi các kiến thức cho cả những người dân địa phương cũng như các đối tượng dành sự quan tâm đến không gian gốm cổ xưa này, một không gian có tầm quan trọng nhất định với thế giới.
* Kiến thức và bản sắc về gốm Chăm đã đi vào tác phẩm điêu khắc gốm của anh như thế nào, thưa anh?
– Từ gốm Gò Sành tại Bình Định và gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận, tôi kết hợp các yếu tố để tạo ra hình dáng mới, bằng cách sắp xếp mới các họa tiết trôn ốc biểu trưng cho ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở; vận dụng tính bản sắc về mặt hình thức thể hiện qua các hình dáng bầu tròn biểu trưng cho bầu ngực của mẹ, mang ý nghĩa cho sự đủ đầy…
Cụm tác phẩm điêu khắc do nghệ sĩ điêu khắc Pornsawan Nonthapha thực hiện từ cảm hứng gốm cổ Gò Sành ở Bình Định và gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Ảnh: NVCC |
Đối với gốm Gò Sành, kiến thức và tính bản sắc tôi đã vận dụng thông qua việc nghiên cứu về tỷ lệ chất đất sét trắng, đất sét đỏ và tro từ thực vật được kết hợp với nhau để tạo ra công thức men gốm có tính chất tương đồng với chất men Celadon của Thái Lan trong thời kỳ có sự giao thoa văn hóa giữa kinh đô Champa và giai đoạn Sukhothai của Thái. Việc vận dụng còn kết hợp hoa văn họa tiết được thể hiện qua các vật dụng gốm cổ Gò Sành, như họa tiết sóng nước, hoa sen, cá…, còn vận dụng các tính bản sắc được thể hiện thông qua vật dụng gốm được sử dụng trong trang trí đền tháp như hình ảnh vị thần nuốt mặt trăng, hay họa tiết các con vật được phân tích về mặt ý nghĩa sau đó kết hợp vào trong tác phẩm.
Một tác phẩm điêu khắc từ gốm do nghệ sĩ điêu khắc Pornsawan Nonthapha thực hiện từ cảm hứng gốm Chăm ở Việt Nam. Ảnh: NVCC |
* Chúc mừng anh với bộ tác phẩm điêu khắc “Đất – Nước – Lửa – Gió” triển lãm hè 2024 tại Thái Lan. Tôi được biết, triển lãm tạo sự lan tỏa, đạt nhiều giải thưởng danh giá. Đặc biệt, từ bộ tác phẩm này, anh được vinh danh “Nghệ sĩ có những tác phẩm kết nối văn hóa xuất sắc” – một giải thưởng do Công chúa Maha Chakri Sirindhorn sáng lập. Anh có thể chia sẻ đôi chút về ý tưởng bộ tác phẩm?
– Đắm đuối với gốm Chăm, tôi thực hiện đề tài luận án tiến sĩ “Sáng tạo nghệ thuật gốm đương đại từ kiến thức và bản sắc của gốm Chăm tại Việt Nam” và hoàn thành vào tháng 5.2024. Luận án với bộ tác phẩm hoàn thiện bao gồm ba bộ: “Đất nước lửa gió tạo ra sự đủ đầy”; “Đất nước lửa gió tạo ra vạn vật của đời sống”; “Đất nước lửa gió tạo ra hệ sinh thái trong tự nhiên”.
Sau đó, tôi đã tổ chức triển lãm bộ tác phẩm này. Chủ đề “Đất – Nước – Lửa – Gió” là bốn yếu tố trong tự nhiên và là điểm khởi đầu để tạo ra hệ sinh thái về mặt sinh học của tất cả mọi sự sống trên thế giới. Nếu con người biết trân trọng và bảo vệ điểm khởi đầu này qua việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống gió, gìn giữ nguồn năng lượng (yếu tố lửa) thì thế giới này có thể đạt được trạng thái cân bằng và đủ đầy. Từ đó con người cũng sẽ có đời sống tốt đẹp, tạo ra nền văn hóa tốt đẹp, có tấm lòng hòa ái và có thể chung sống với nhau trong hòa bình.
Nghệ sĩ điêu khắc Pornsawan Nonthapha đã vận dụng kiến thức và bản sắc về gốm Chăm vào điêu khắc gốm đương đại. Ảnh: NVCC |
* Anh nghĩ sao về một cuộc triển lãm trên chính quê hương của gốm cổ Gò Sành?
– Nếu có duyên thì đó sẽ là một điều rất đặc biệt và tuyệt vời. Quan trọng hơn nữa, qua các tác phẩm sáng tạo, có thể khẳng định một điều rằng những kiến thức quý báu và bản sắc từ ngàn xưa nếu có thể tiếp tục gìn giữ, lưu truyền và phát triển thì giá trị được công nhận đó sẽ tạo nên lợi ích lớn cho cộng đồng và người thưởng lãm.
Lời cuối, tôi muốn đề xuất cho việc bảo tồn, kế thừa và phát triển, đây sẽ là một nền tảng di sản về văn hóa có giá trị tốt đẹp cho mai sau.
* Trân trọng cám ơn anh về cuộc trò chuyện!.
VÂN PHI (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=284147