Đình chỉ giao dịch cổ phiếu, cả 30 hãng kiểm toán đều không muốn dính dáng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ra thông báo sẽ chuyển cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) từ diện hạn chế sang diện đình chỉ giao dịch.
Nguyên nhân vì doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.
Cụ thể, thời gian qua Tân Tạo đã bị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán liên tục nhắc nhở.
Nhưng đến nay vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2023, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.
Vào tháng trước, ông Nguyễn Thanh Phong – tổng giám đốc của Tân Tạo – thay mặt công ty để đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho phép tạm hoãn công bố các tài liệu trên.
Phía doanh nghiệp giải thích, mặc dù đã nỗ lực hết sức, liên hệ làm việc và thuyết phục tất cả các công ty kiểm toán (30 công ty được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán năm 2023), nhưng đều bị từ chối.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ – tước giấy phép hành nghề có thời hạn với 4 người đã kiểm toán báo cáo tài chính của Tân Tạo vào năm 2021 và 2022, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023.
Doanh nghiệp cho rằng, việc này khiến các hãng kiểm toán lo sợ.
Không ngớt lùm xùm
Tân Tạo gắn liền với tên tuổi của bà Đặng Thị Hoàng Yến (tên mới Maya Dangelas, quốc tịch Mỹ) và ông Đặng Thành Tâm (em trai, chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc).
Thời gian qua, doanh nghiệp trải qua không ít sóng gió. Vào gần giữa năm 2024, Tân Tạo bị dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, do nợ thuế.
Sau đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch Hoàng Yến tiếp tục tham gia bằng hình thức trực tuyến từ Mỹ. Trả lời cổ đông về việc giá cổ phiếu ITA lao dốc mạnh, bà cho biết: “Từ tháng 5-2022, ITA đã bị nhiều thế lực phá hoại nhằm thâu tóm”. Bản thân cùng các cổ đông trong và ngoài nước đều muốn cổ phiếu này tăng giá trở lại.
Vào năm 2023, Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu Tân Tạo mở thủ tục phá sản. Phía doanh nghiệp giải trình về vụ việc với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, bày tỏ phản đối quyết định của tòa.
Gần cuối năm 2022, giới đầu tư không khỏi xôn xao khi báo cáo tài chính bán niên năm 2022 tự lập lần đầu, Tân Tạo ghi chi tạm ứng cho bà Hoàng Yến hơn 1.900 tỉ đồng.
Sau khi dư luận bàn tán, doanh nghiệp này báo rằng đã “hạch toán sai”, nên sửa lại thành: khoản phải thu với bà Yến là 633 tỉ đồng. Tuy nhiên đến khi có đơn vị kiểm toán xuất hiện, khoản phải thu với bà Yến bỗng nhiên biến mất.
Chưa kể, theo báo cáo quản trị nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp giao dịch xấp xỉ 320 tỉ đồng với bà Yến, trong đó có hơn 223 tỉ đồng ủy thác đầu tư. Những khúc mắc trên khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.
Cổ phiếu giảm sâu
Từ một doanh nghiệp từng cán mốc doanh thu cả nghìn tỉ đồng, lãi ròng hàng trăm tỉ đồng ở giai đoạn 2008-2010, hoạt động kinh doanh của Tân Tạo dần sa sút, nợ nần.
Bà Hoàng Yến cũng đột ngột vắng mặt ở nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Đến năm 2021 mới quay lại, dùng tên mới.
Căn cứ báo cáo tài chính tự lập, lũy kế nửa đầu năm 2024 Tân Tạo gặt hái được hơn 140 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trừ các chi phí, doanh nghiệp còn giữ lại lợi nhuận sau thuế gần 65 tỉ đồng (+65%). Như vậy doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 12% chỉ tiêu doanh thu và 36% lợi nhuận cả năm, tức khoảng cách vẫn còn dài.
Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất do doanh nghiệp tự lập, tính đến giữa năm nay Tân Tạo có khối tài sản hơn 12.200 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản nợ phải trả gần cán mốc 1.900 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 10.400 tỉ đồng.
Trong giới bất động sản, doanh nghiệp này ghi nhiều dấu ấn với các khu công nghiệp như Tân Tạo (TP.HCM), Tân Đức (Long An), Nhơn Hội (Bình Định), Nhơn Trạch (Đồng Nai)… Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du, Trung tâm điện lực Kiên Lương (Kiên Giang)…
Trên thị trường chứng khoán, mã ITA từng tăng vọt lên vùng gần 20.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thời gian này thường xoay quanh giá 3.000-4.000 đồng.