Thích ứng với quy định chống mất rừng của EU
Quy định về chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng, giảm lượng khí thải carbon trên quy mô toàn cầu và giải quyết các tác động tiêu cực của việc mở rộng hoạt động nông, lâm nghiệp. EU chính thức áp dụng các quy định này từ ngày 30.12.2024, riêng DN nhỏ và vừa thì từ tháng 6.2025.
Trao đổi về việc này, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, ngành Nông nghiệp với vai trò chủ trì đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) trên địa bàn tỉnh, ngày 23.8.2024. EUDR tạo ra nhiều thách thức, khó khăn nhưng đây là xu thế toàn cầu hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh, minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.
• Quy định mới này tác động ra sao đến ngành lâm nghiệp của tỉnh, thưa ông?
Ông Trần Văn Phúc. Ảnh: N.T |
– Việt Nam hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu vào EU chịu sự điều chỉnh của EUDR, đó là cà phê, gỗ và cao su. Riêng với Bình Định, EU là một thị trường lớn của các DN chế biến, xuất khẩu gỗ, sản phẩm làm từ gỗ nên chắc chắn quy định mới sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ đến ngành lâm nghiệp tỉnh.
EUDR bắt buộc các DN xuất khẩu gỗ, sản phẩm làm từ gỗ vào EU phải đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp, không gây mất rừng của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, liên quan đến cả cơ sở chế biến, đại lý thu mua và nông hộ sản xuất.
Việc này liên quan đến công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ xuất khẩu, đến công tác quản lý và bảo vệ khu vực rừng, khu vực đất lâm nghiệp cũng như vùng trồng liên quan ngành chế biến và xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng bởi EUDR; liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với vùng trồng rừng, loài cây trồng được sử dụng gỗ để chế biến thành sản phẩm gỗ xuất khẩu; rồi việc đạt được các loại chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến quản lý rừng bền vững…
• Để đáp ứng những quy định của EUDR, theo ông, đâu là điều cần chú trọng?
– Giảm thiểu rủi ro mất rừng vẫn là điều quan trọng nhất. Trong Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với EUDR trên địa bàn tỉnh mà UBND tỉnh ban hành, có tổng cộng 4 nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc tích cực của các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan.
Cụ thể, tỉnh phải xây dựng cơ sở dữ liệu (cấp tỉnh và cấp huyện) về khu vực rừng, khu vực đất lâm nghiệp và vùng trồng liên quan đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có ảnh hưởng bởi EUDR. Tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng có gắn với định vị điểm (GPS) và ranh giới số (Polygon) của từng khu rừng trồng liên quan đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng bởi EUDR.
EUDR được đưa ra nhằm hạn chế nạn phá rừng, gia tăng tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh: PHAN TUẤN |
Ngoài ra, các bên tích cực phối hợp, triển khai hiệu quả những nội dung liên quan đến công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ rừng, áp dụng các chứng chỉ quản lý rừng bền vững, các chương trình, dự án tiếp cận theo hướng cải thiện cảnh quan rừng, canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội. Tuyên truyền về EUDR, chia sẻ và phản hồi thông tin lẫn nhau giữa các bên liên quan. Tiến tới thành lập các nhóm công tác công tư cấp tỉnh, triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR…
• Tuy vậy, dường như vẫn chưa có nhiều đơn vị, DN quan tâm đến EUDR…
– Tôi cho rằng, với hiệu lực của EUDR, chủ động thích ứng với những quy định “buộc phải làm thì mới có thể hòa nhập được vào thị trường châu Âu” không còn là sớm, tránh tình trạng giống như hải sản bị EU cảnh báo “thẻ vàng”, phải nỗ lực rất nhiều mà vẫn chưa gỡ được.
Hơn nữa, ngay sau khi EUDR được thông qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản số 5179/BNNHTQT ngày 1.8.2023 về việc triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, gửi chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất các hoạt động thích ứng chung. Tiếp đó, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Quyết định số 1235/QĐ-BNN-HTQT ngày 4.5.2024 về thành lập nhóm công tác chung điều phối các hành động thích ứng với EUDR; Thông báo số 6530/TB-BNN-VP ngày 5.9.2024 thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc thúc đẩy triển khai các hành động thích ứng với EUDR. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo yêu cầu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8.6.2023 của Chính phủ.
Bộ NN&PTNT nhận định, EUDR là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các ngành hàng liên quan tới rừng và lâm nghiệp như cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà còn là xu thế của thế giới trong tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn sẽ là đối tác đồng hành cùng EU thực thi EUDR một cách tích cực và hiệu quả.
• Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=283152