Không thể nói đến Thị Nại và Quy Nhơn mà không nhắc tới lịch sử của Nguyễn Nhạc với quá nhiều dấu ấn còn lưu trong tỉnh này.
Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc
Gia đình Nhạc cùng họ với Gia Long (họ Nguyễn), quê gốc Nghệ An, hồi giữa thế kỷ 17 vẫn còn ở đó. Thời kỳ này tổ tiên Gia Long, các chúa phương Nam, tức vùng ngũ quảng [Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi] với Huế là trung tâm và kinh đô, vừa mới tuyên bố độc lập và (…) đem quân tiến ra Nghệ An.
Trong số tù binh đem về có một gia đình họ Nguyễn bị đày lên biên giới vùng cao nguyên An Khê để khai hoang và chinh phục những chủ nhân bản địa là các bộ tộc man di. Một trong số hậu duệ của gia đình là Nguyễn Nhạc được ăn học, thành sĩ phu và làm biện lại. Tính ham cờ bạc lại biển lận ngân quỹ, ông ta sớm bỏ chức quan trở về quê hương An Khê sâu trong rừng núi để tự kiếm sống bằng nghề buôn trà, sau đó làm thổ phỉ. Thành công đem lại cho ông ta nhiều đồ đảng và tham vọng.
Ngôi báu của miền nam An Nam đã bị soán đoạt bởi một người họ Nguyễn thì tại sao lại không để một người họ Nguyễn khác trèo lên đó? Ông nghĩ ra một mưu kế táo bạo để đột nhập thành Quy Nhơn, nguyên là kinh đô Champa xưa. Ông nhốt mình trong một chiếc cũi và chiều tối thì cho người đem giao nộp quan, họ đang truy lùng Nhạc và hí hửng vì vụ bắt giữ này. Đang đêm ông ra khỏi nhà lao, cắt cổ các quan lớn và mở cổng thành cho đồng phạm, những người Tây Sơn.
Cả xứ mau chóng rơi vào tay Nhạc: trước tiên là phần nằm giữa Quảng Ngãi và Bình Thuận, sau đó là vùng thượng An Nam. Vùng hạ Nam kỳ và Bắc kỳ. Ông chia cho hai em trai mỗi người một vương quốc và đặt lên đầu mình chiếc vương miện hoàng gia. Một trong những đứa cháu [vua Cảnh Thịnh, tức Nguyễn Quang Toản] đã làm cho Nhạc suy tàn nhưng khi hấp hối ông có thể tin rằng mình đã lập nên một triều đại. Ông không gặp Gia Long, kẻ được các sĩ quan Pháp hỗ trợ để cuối cùng cũng rời khỏi đầm lầy hạ Nam kỳ; ông cũng không gặp những tay chân thân tín cuối cùng bị nạn đói quật ngã ở kinh thành vĩ đại phải kéo nhau lên núi mà từ đó ông đã xuôi xuống và lạc mất trong những cánh rừng của Lào.
Ký ức về những sự kiện diễn ra cách đây hơn một thế kỷ vẫn còn sống động trong tỉnh Quy Nhơn, dù cho dân chúng An Nam đã học được cách im lặng và lãng quên trước sự trừng phạt của những kẻ bạo chúa. Nhà vua chỉ cho phép triều đình của mình biên soạn lịch sử và quan lại không để cho thần dân đọc nó. (…)
Di tích Tháp Đôi
(…) Thị Nại đã mất một [tháp nhỏ] trong ba tháp vuông xưa kia sừng sững cạnh nhau [còn lại một tháp lớn và một tháp nhỏ], mặt tháp hướng về phía mặt trời mọc, nép mình trên con đường dẫn tới Bình Định. Ba tòa tháp này nằm thẳng hàng theo hướng bắc nam, ngăn cách nhau một khoảng chừng 3 m, nhưng không cùng một kích thước. Tháp ở giữa lớn nhất, gần như vẫn còn nguyên vẹn, cao chừng 25 m, mỗi cạnh dài 7,6 m; hai tháp còn lại nằm đối xứng hai bên, cao chừng 19 m và mỗi cạnh đáy dài 5, 6 m.
Tháp Quy Nhơn, tức di tích Tháp Đôi, năm 1888
Ảnh: Fanny Lemire – Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp
Ngoại trừ những điểm khác biệt này và một vài chi tiết trang trí vốn vô cùng vô tận thì ba tòa tháp nhìn chung là tương đồng. Mỗi tháp có một ô cửa duy nhất ở mặt phía đông; cửa được đóng khung bằng bốn phiến đá nguyên khối với hai cánh và một bậc thềm cao 1 m so với mặt đất bên ngoài; để bước đến đây người ta phải đi qua hai bậc đá hoa cương. Ô cửa của tháp lớn nhất cao 2,25 m, rộng 1,15 m; bên trên là một trán tường nhô ra với ô trán đắp phù điêu. Những mặt tháp không có cửa được bao phủ hoa văn, chủ yếu là hình gân cung nhô ra tô điểm thêm những đường viền hoa kết đúc trong gạch. Mũ cột của mỗi tháp được tạo từ một mái đua cắt tòa công trình làm đôi theo chiều cao và một đường gờ trang trí phủ phù điêu mô tả những con voi bất động và những vũ công đang nhảy múa; bốn góc của mái đua được trấn giữ bởi bốn con thú kỳ dị. Từ mũ cột, bốn mặt tháp sát lại gần nhau thông qua quá trình xây nhô ra một cách từ từ, làm giảm bớt các góc hợp nhau và cuối cùng tạo thành một dạng mái vòm vươn cao như một mũ miện. Toàn bộ công trình được xây bằng gạch đỏ nhưng được tô điểm lộng lẫy bằng những phiến đá hoa cương trắng trải từ đáy nền lên tới đỉnh tháp và chắc chắn kết thúc bằng một họa tiết chạm khắc. Ở bên trong, những bức vách trần trụi, mang chi chít dấu vết của cuốc xẻng của những kẻ đi tìm kho báu; những lỗ vuông chính là lỗ mộng để giữ những bức phù điêu gắn trên tường hoặc chống bệ đỡ cho những bức tượng nhỏ. Hình dáng bên ngoài của công trình cho thấy các vách tường của căn phòng càng lên cao càng sát lại nhưng trong những tình thế không tin được: tầm mắt đợi chờ sẽ chiêm ngưỡng một mảnh trời trên mái vòm nhưng nó lại chìm đắm và mất hút trong một ống thông khói.
Cách ba tòa tháp này về phía đông nam chừng vài bước chân xưa kia có một khám thờ theo phong cách khác nhưng không kém phần tráng lệ. Ta có thể hình dung về nó thông qua những công trình tương tự còn sót lại trong các di tích ít bị hủy hoại hơn như di tích trên núi Tháp-bà-mẫu-thiên [Thiên Y Thánh mẫu, Ponagar] và nhiều núi khác; vì chúng nằm rải rác và được tìm thấy hơn mười cái trong tỉnh. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)
EUGÈNE NAVELLE
Nguồn: https://thanhnien.vn/binh-dinh-xua-mat-thay-tai-nghe-nhung-trang-su-cu-185240709204015561.htm?gidzl=4uwSSx8w_dKTbfzrjYJvSXkNc7Qi9lbvKvRDUgaZg7G6nS4Y_2IZSmUNaIBx9_8jKi6GB3YPWb0tk3x_Sm