Theo thống kê, tỉnh Bình Định hiện có hơn 415.724 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích đất có rừng hơn 345.580 ha, gồm rừng tự nhiên hơn 214.543 ha, rừng trồng hơn 131.036 ha, còn lại là diện tích mới trồng chưa thành rừng và đất chưa có rừng các loại.
Để phát triển rừng thay thế trên địa bàn, trong năm 2024, tỉnh Bình Định sẽ bố trí nguồn kinh phí trồng rừng thay thế. Cụ thể, có 5 đơn vị đăng ký trồng rừng thay thế với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, với diện tích 483,01 ha (gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn; Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh; Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn; Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh; Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn).
Sau khi kiểm tra, rà soát, 2 đơn vị là Ban Quản lý rừng phòng hộ Vân Canh và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn (tổng diện tích 2 đơn vị là 38,84 ha) đang sử dụng vốn ngân sách nhà nước để trồng rừng, nên không thuộc đối tượng áp dụng.
Còn lại diện tích 443,92 ha tương ứng kinh phí gần 36,5 tỷ đồng cấp cho 3 công ty lâm nghiệp đủ điều kiện áp dụng trồng rừng sản xuất, từ nguồn kinh phí của các chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, nhưng chưa có kế hoạch, nội dung chi, chưa sử dụng trước ngày Thông tư số 22/2023/TTBNNPTNT ngày 15/12/2023 có hiệu lực; theo đơn giá 82.039.000 đồng/ha. Bao gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, 50 ha, tương ứng kinh phí 4,101 tỷ đồng; Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, 315,24 ha, tương ứng 25,861 tỷ đồng; Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, 78,68 ha, tương ứng 6,454 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với diện tích đăng ký thực hiện trồng rừng thay thế áp dụng từ nguồn kinh phí sau ngày Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 có hiệu lực (theo đơn giá 126.020.000 đồng/ha, tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 16/01/2024 của UBND tỉnh Bình Định). Tổng diện tích đăng ký là 174,74 ha; trong đó: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, diện tích 164,5 ha. Ban Quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân, diện tích 10,24 ha.
Quảng Nam: Phê duyệt đơn giá nộp tiền trồng rừng thay thế