Quang cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía Bộ, ngành Trung ương, có đại diện lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Vụ Tổng hợp kinh tế – Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu từ các liên đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ; các hiệp hội, doanh nghiệp của tỉnh Bình Định.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tỉnh Bình Định đã và đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ. Tỉnh đã tiếp nhận các chuyên gia du lịch do phía Ấn Độ phái cử, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành của Ấn Độ để hỗ trợ quảng bá thông tin du lịch Bình Định, nhờ vậy, khách du lịch Ấn Độ biết đến Bình Định ngày càng nhiều hơn. Tuy đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung, quan hệ hợp tácthương mại, du lịch, thu hút đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ vào tỉnh còn khá khiêm tốn, quy mô thấp, lĩnh vực chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.
Tỉnh Bình Định đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ. Đồng thời, những ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện đậm nét tại Bình Định, nơi từng là cố đô của Vương quốc Chămpa, nơi còn lưu giữ hệ thống tháp Chăm độc đáo, riêng có cùng hàng vạn cổ vật mang âm hưởng từ nền văn minh Sông Ấn. Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng tin rằng, đây là chìa khóa để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách Ấn Độ đến tìm hiểu, du lịch, khám phá cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Định, mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ nói chung, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ nói riêng.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng bày tỏ mong muốn sau hội nghị này, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm hiểu, khảo sát và có thể kịp thời lựa chọn được cho mình dự án đầu tư tiềm năng tại Bình Định. Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng khẳng định, khi đầu tư tại Bình Định, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết đây là sự kiện rất có ý nghĩa, là cơ hội để chúng ta cùng nhau chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tỉnh để hỗ trợ các nhà đầu tư Ấn Độ.
Với lịch sử truyền thống hào hùng, tiềm năng lợi thế riêng có của mảnh đất “trời văn đất võ”, đặc biệt là tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tin tưởng rằng tỉnh Bình Định sẽ thực sự trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Ấn Độ. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng các Bộ ngành hỗ trợ Bình Định biến ý tưởng và quyết tâm phát triển của tỉnh thành hiện thực, đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và triển khai hoạt động đầu tư để các doanh nghiệp Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại tỉnh Bình Định, hướng đến sự phát triển bền vững của tỉnh và sự thịnh vượng của hai nước.
Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi chia sẻ đã có dịp đến thăm TP. Quy Nhơn nhiều lần và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất. Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, CNTT, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Để thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai nước, ông Madan Mohan Sethi khuyến khích các doanh nhân Việt Nam kết nối với các đối tác Ấn Độ tại hội nghị này. Bên cạnh đó, dành thời gian thảo luận về cơ hội xuất nhập khẩu sản phẩm và tìm kiếm tiềm năng hợp tác để cùng nhau phát triển doanh nghiệp. Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ cam kết tiếp tục vai trò cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ các lĩnh vực đa dạng của Ấn Độ vào Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các ý kiến góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thương mại và du lịch giữa tỉnh Bình Định với các đối tác Ấn Độ.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm về mục tiêu, tầm nhìn phát triển của tỉnh Bình Định, cũng như những thế mạnh và điều kiện cần thiết mà tỉnh đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng để chào đón các nhà đầu tư đến với Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, tiềm năng và lợi thế của tỉnh, con người và văn hóa của Bình Định có sự tương đồng với văn hóa và phù hợp với nhu cầu đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Ấn Độ. Được biết, các doanh nghiệp Ấn Độ hầu hết là các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn, có tiềm lực kinh tế và hoạt động trong các lĩnh vực mà tỉnh đang có nhu cầu như: công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, dược phẩm, AI, công nghệ sinh học, công nghệ nano, viễn thông, đóng tàu và hàng không, thương mại dịch vụ, du lịch…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ, giúp quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Định đến với bạn bè, đồng nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào Bình Định; hỗ trợ, giúp tỉnh tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ trong thời gian đến.
UBND tỉnh Bình Định và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác.
Nhằm không ngừng thúc đẩy các hoạt động hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển thương mại và du lịch, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các cơ quan, đối tác và doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu, dịp này, UBND tỉnh Bình Định và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết Bản ghi nhớ hợp tác.
Hội nghị cũng tổ chức ký kết 04 Bản ghi nhớ hợp tác tiếp theo giữa các hiệp hội, doanh nghiệp tỉnh Bình Định và các hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị.
Nguồn: https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong-cua-lanh-dao/hoi-nghi-thuc-day-dau-tu-phat-trien-thuong-mai-du-lich-voi-cac-doi-tac-an-do-tai-tinh-binh-dinh.html