Bình yên theo cách riêng mình
Không hối hả, không chạy đua với thời gian, vợ chồng chị Lê Thụy Xuân Dương (trú phường Hải Châu, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) háo hức cho chuyến đi Đà Lạt lần đầu tiên trong đời.
Họ gói gọn trong những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên: Lưu trú ở một homestay có “view” nhìn ra màu xanh núi rừng với mây và thông; thăm vườn dâu tươi mọng; thưởng thức hương vị lẩu và nướng ấm cúng; tự pha matcha dưới tiết trời se lạnh của cao nguyên hoa; chụp ảnh dưới tán mai anh đào, đi bộ bên hồ Tuyền Lâm…
“Những ngày ở Đà Lạt không có công việc trong đầu, chỉ có sự kết nối với thiên nhiên và khoảng thời gian cân bằng lại bản thân sau một năm bộn bề” - chị Dương chia sẻ.
Cũng du xuân ở Tây Nguyên dịp năm mới, chị Nguyễn Thu Thảo (huyện Tiên Phước) chọn đón tết ở quê trước khi khởi hành lên Măng Đen (tỉnh Kon Tum) ngay đợt hoa mai anh đào nở.
Đặc biệt yêu thích và “mặc định” vùng đất ở xứ Kon Plong là điểm đến trong những chuyến đi chơi xa, từng chọn Măng Đen để chụp ảnh cưới, vợ chồng chị Thảo nhắc về Măng Đen bằng tất cả tình cảm.
Trên Facebook, chị chia sẻ về chuyến đi: “8/2/2025. Lại là tụi mình và Măng Đen. Dù Măng Đen có tấp nập thì tụi mình vẫn tìm được sự bình yên theo cách của riêng mình”.
Bình yên theo cách của mình, những chuyến đi Măng Đen của vợ chồng chị Thảo là loạt trải nghiệm gần gũi với lịch trình đơn giản: thưởng thức ẩm thực núi rừng, chạy xe qua những con đường phủ đầy thông, hít hà không khí trong lành và gặp gỡ, trò chuyện cùng người dân địa phương.
Thảo nói, mỗi du khách có cách tiếp cận khác nhau với một vùng đất. Riêng gia đình chị, du lịch Măng Đen không chỉ là bức ảnh đẹp, thắng cảnh núi rừng hoang sơ với thác Pa Sỹ hay cầu treo Kon-Tu-Rằng mà còn có nét văn hóa bản địa đặc biệt của người Măng Đen.
Điểm dừng chân cuối cùng
Trên những chuyến bay rời Đà Nẵng đầu năm, có những người trẻ chọn du lịch một mình, như Nguyễn Thiện Nhân (giáo viên, quê huyện Thăng Bình). Điểm đến của Nhân cách Đà Nẵng gần 6 giờ bay, đó là quần thể thắng cảnh ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tự nhận bản thân hay tò mò mấy điều mới lạ, từ lúc chuẩn bị hành lý tới lúc ra sân bay, Nhân luôn tự hỏi: “Bên bển có chi vui để khám phá?”.
Một trong mấy “cái chi vui” ở Côn Minh là tham quan núi tuyết Kiệu Tử. Hòa vào đoàn du khách, cô gái 22 tuổi thử thách bản thân khi chinh phục ngọn núi cao gần 3.900m so với mực nước biển. Ngoài hai chặng cáp treo, du khách bắt buộc phải tự đi bộ, tập thích nghi với không khí loãng và lạnh buốt của phương Bắc.
“Leo lên đỉnh Kiệu Tử không dễ dàng. Đã có người gặp vấn đề hô hấp do thiếu oxy, thậm chí sốc lạnh giữa hành trình, mình cũng thế. Dẫu vậy, “món quà” cho nỗ lực của bản thân khi lên đến nơi là được chứng kiến một thế giới hoàn toàn khác - một thế giới đầy tuyết trắng bao phủ như cổ tích, điều ngỡ chỉ thấy trong thước phim nào đó”, Nhân kể lại.
Hành trang về lại Đà Nẵng của Nhân bên những bức ảnh đẹp, những kỷ niệm khó quên nơi xứ người còn có giá trị tinh thần. Đó là kiến thức về thiên nhiên và văn hóa Trung Quốc, là những người bạn mới, là những trải nghiệm vượt qua giới hạn bản thân.
Mỗi lần đi đâu xa, chị Nhân hay vô thức so sánh nơi đó với quê mình. Chị bảo, đi chơi thì vui đó, học hỏi được cái mới, ngắm nhiều cảnh đẹp nhưng vẫn nhớ tới quê nhà xứ Quảng. Mấy ngày ngắn ngủi ở Côn Minh, chị thử rất nhiều món ăn đặc trưng của người Hoa với nhiều gia vị cay, nóng và đầy hương thuốc Bắc nhưng không hợp khẩu vị.
Khí hậu địa phương cũng không dễ chịu. Về quê, cô giáo trẻ rút ra suy nghĩ: “Có đi bao xa, bao lâu, quê hương vẫn luôn là điểm dừng chân cuối cùng. Sơn hào hải vị chỉ ăn một vài lần rồi thôi, chớ cơm nhà thì không bao giờ bỏ được”. Trong sổ tay du lịch, chị lưu lại vài điểm đến với dự định “để dành mai mốt đi với gia đình”.
Sau những ngày du xuân ở Đà Lạt, vợ chồng chị Dương trở về Đà Nẵng. Trong những ngày giêng hai đầu xuân, gia đình nhỏ nhìn nhau hân hoan: “Dù đi đến đâu, cuối cùng nhà vẫn là nơi để về”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/binh-yen-tren-nhung-chang-duong-3149391.html
Bình luận (0)