Theo các chuyên gia đánh giá du lịch Bình Thuận đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng và lợi thế của vùng đất “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”.
Mũi Né – Phan Thiết được công nhận là 1 trong 10 điểm du lịch nổi bật của Việt Nam, nhờ vậy Bình Thuận thu hút một lượng lớn khách du lịch mỗi năm, với doanh thu từ du lịch ước tính đạt 11,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 70% so với năm trước. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận trong thời đại 4.0, địa phương cần có sự chuyển đổi, hướng đến một nền du lịch thông minh và bền vững trong tương lai.
Ảnh: Đình Hòa
Gần 30 năm tạo dựng “gia tài” du lịch
Sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995 đã trở thành bước ngoặt lớn đối với du lịch Bình Thuận, đặc biệt là Mũi Né. Nhờ có vị trí lý tưởng để quan sát hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, Mũi Né đã thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước, đưa nơi đây từ một vùng biển hoang sơ trở thành điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch toàn cầu. Thời điểm đó, chỉ có một số ít nhà nghỉ, nhưng sau sự kiện, lĩnh vực du lịch bắt đầu bùng nổ với nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Và chỉ trong vòng 10 năm, năm 2005 khu du lịch Hàm Tiến- Mũi Né được mệnh danh là “thủ đô resort của Việt Nam”.
Sau khi Mũi Né – Phan Thiết được công nhận là khu du lịch quốc gia, năm 2023, du lịch Bình Thuận đã bắt đầu “trỗi dậy” mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 31,3%/năm, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh. Ngành du lịch tỉnh dự kiến sẽ thu hút 9 triệu khách vào năm 2025 và 14 triệu khách vào năm 2030. Sự cải thiện trong chất lượng dịch vụ và dịch vụ lưu trú cũng đã thu hút một lượng lớn du khách, giúp tỉnh dần trở thành địa phương trọng điểm về du lịch. Đặc biệt, các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cũng đang được hình thành, góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách. Những dự án du lịch lớn như NovaWorld Phan Thiết không chỉ nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Khu du lịch Mũi Né, Phan Thiết đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế và các chuyên gia du lịch. Mới đây, một đoàn Farmtrip quốc tế đã khảo sát các sản phẩm và dịch vụ du lịch Bình Thuận, đến từ các nước như Trung Quốc, Đức và Úc. Các đại diện trong đoàn đã bày tỏ ấn tượng tốt về tài nguyên thiên nhiên, nền văn hóa và con người Bình Thuận. Họ đánh giá cao các dịch vụ du lịch và trải nghiệm tại những điểm nổi tiếng như Bàu Trắng và NovaWorld Phan Thiết, khẳng định đây là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Và gần đây, nhờ vào sự đầu tư vào hạ tầng giao thông như đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và sắp tới là sân bay Phan Thiết, việc di chuyển đến đây sẽ trở nên dễ dàng hơn, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế.
Mũi Né cũng được xếp hạng cao trong một số bảng xếp hạng du lịch quốc tế. Mới đây, theo nghiên cứu của Công ty Dịch vụ lưu trú Bounce, Mũi Né là một trong các bãi biển tốt nhất châu Á, xếp hạng thứ 9 trong danh sách 10 bãi biển tốt nhất thế giới, với điểm số 5,84. Điểm mạnh của Mũi Né là mức giá khách sạn trung bình chỉ 54,12 USD/đêm và nhiệt độ nước trung bình 26,5 độ C, cùng với số lượng nhà hàng phong phú cho du khách lựa chọn.
Hướng đến du lịch bền vững và thông minh
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo những hạn chế và phát sinh của phát triển du lịch Bình Thuận theo “truyền thống kiểu cũ”, “bê tông hóa, đô thị hóa” du lịch ồ ạt, với nhiều công trình xây dựng lấn chiếm không gian bãi biển và vấn nạn về môi trường với tình trạng quản lý rác thải kém hiệu quả. Điều này cho thấy sự cần thiết phải quản lý và phát triển du lịch Bình Thuận theo hướng bền vững và thông minh, để đẩy mạnh thu hút du khách.
Để du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trước tiên, ngành du lịch tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm thu hút du khách quay lại và gia tăng thời gian lưu trú. Chú trọng việc phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường, như du lịch sinh thái, du lịch nông thôn. Chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ du lịch. Ngành du lịch cần có kế hoạch xúc tiến chương trình giáo dục cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và văn hóa ứng xử thân thiện. Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý môi trường, tăng cường kiểm soát và xử lý rác thải bờ và rác thải đại dương.
Riêng với du lịch thông minh là một xu hướng mới nổi, kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông vào quản lý điểm đến du lịch nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.
Muốn phát triển du lịch thông minh, Bình Thuận cần thực hiện chuyển đổi số thông qua một số giải pháp quan trọng. Đầu tiên, phải xây dựng và phát triển Cổng thông tin du lịch thông minh, nơi cung cấp thông tin đầy đủ về điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Điều này sẽ được thực hiện song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin như mã QR tại các điểm tham quan, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin bằng thiết bị di động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng đến việc đầu tư vào các nền tảng số như sàn giao dịch điện tử và ứng dụng di động dành cho du khách. Những ứng dụng này nên hỗ trợ trải nghiệm của khách hàng, đồng thời quản lý thông tin du lịch một cách hiệu quả.
Cuối cùng, để thúc đẩy chuyển đổi số thành công, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin và tập huấn đội ngũ nhân sự, giúp họ tiếp cận và vận hành công nghệ mới. Tất cả những nỗ lực này hướng tới mục tiêu biến Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn và hiện đại trong bối cảnh du lịch quốc tế phát triển.
Nguồn: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-huong-den-du-lich-ben-vung-va-thong-minh-124163.html