Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số (CĐS) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm, khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi; 100% hộ dân sử dụng phương tiện kết nối thông minh. Trong đó, việc dừng công nghệ 2G, thúc đẩy công nghệ 4G, 5G là giải pháp quan trọng thực hiện thành công nghị quyết, đưa người dân hòa nhịp cuộc sống số, trải nghiệm nhiều tiện ích hiện đại.

Đầu tư hạ tầng số

Với quyết tâm thực hiện nhiệm vụ CĐS, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang không ngừng nỗ lực thi đua nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành với mong muốn mang đến sự thuận lợi, hài lòng nhất cho tổ chức, cá nhân.

Trong đó, nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiện ích từ CĐS. Xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản mặc dù là vùng sâu và xa trung tâm nhưng lãnh đạo xã rất quan tâm triển khai nhiều giải pháp, trang bị hạ tầng và khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh vào các dịch vụ số.

Bình phước 1.jpg
Nhờ những chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi và công tác truyền thông rộng khắp, tính đến hết tháng 7-2024, Viettel Bình Phước đã chuyển đổi được gần 30 nghìn thuê bao 2G lên 4G.

Ông Nguyễn Thế Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với các nhà mạng rà soát, đảm bảo 100% diện tích của xã được phủ sóng mạng 4G. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp hệ thống mạng tại trụ sở xã đồng bộ, phục vụ hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân và cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.

Thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số do Nhà nước cung cấp, huyện Hớn Quản đã tập trung đầu tư hạ tầng internet băng rộng tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn; 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động.

Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản chia sẻ: Hạ tầng viễn thông là một trong những yếu tố thiết yếu tác động đến quá trình CĐS, vì mục tiêu quan trọng của tiến trình CĐS là giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi.

Song song với đầu tư, huyện cũng vận động nhân dân khai thác và sử dụng các phần mềm, ứng dụng tiện ích huyện đang cung cấp. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao bộ chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của huyện.

Đối với huyện biên giới Lộc Ninh, mục tiêu CĐS là hướng tới thu hẹp khoảng cách số giữa các xã, thị trấn và mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân. Huyện đã chủ động ký kết phối hợp với các nhà mạng trong hỗ trợ xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, bảo đảm phủ sóng toàn diện tại các vùng lõm sóng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho rằng: Với địa bàn rộng, có 22% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xóa các vùng lõm sóng viễn thông nhằm đảm bảo người dân ở các khu vực vùng sâu, xa đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ số một cách thuận lợi.

Nhà mạng đồng hành

Thực hiện chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông về ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao máy 2G chỉ sử dụng nghe và gọi đến ngày 15-9-2024, Viettel Bình Phước đã xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G. Trong đó, mục tiêu giảm tỷ lệ thuê bao 2G từ 11,5% (cuối năm 2023) xuống còn 3% (tương đương hơn 2.000 thuê bao) vào ngày 15-9 tới.

Bình phước 2.jpg
Nhà mạng VNPT Bình Phước đang chạy nước rút trước thời điểm tắt sóng 2G, bảo đảm phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

“Trước khi dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel Bình Phước đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thông báo đến khách hàng, thành lập các điểm lưu động hỗ trợ khách hàng đổi máy tại từng xã, phường, ấp, khu phố; phối hợp các điểm bán có cung cấp máy điện thoại trên toàn tỉnh làm điểm hỗ trợ nâng cấp lên máy 4G; đồng loạt ra quân chương trình quảng bá và giới thiệu sản phẩm lưu động để tạo hiệu ứng lan tỏa” – chị Lê Thị Nam, Giám đốc Viettel chi nhánh thị xã Bình Long chia sẻ.

Nhờ những chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi và công tác truyền thông rộng khắp, tính đến hết tháng 7-2024, Viettel Bình Phước đã chuyển đổi được gần 30 ngàn thuê bao 2G lên 4G, cao gấp 4,5 lần so với năm 2023. Người dân được trợ giá và tặng điện thoại 4G kèm theo chính sách giá cước, cũng như các dịch vụ ưu đãi, tiện ích số.

Ông Vũ Tuấn Dũng, Giám đốc Viettel Bình Phước nhấn mạnh: Trong quá trình chuyển đổi, nhà mạng cũng đảm bảo vùng phủ sóng 4G tương đương như sóng 2G và tối ưu mạng lưới. Nhân viên Viettel tại địa bàn hỗ trợ tư vấn, tiếp xúc, hướng dẫn cài đặt, hỗ trợ thiết bị đầu – cuối, gói cước ưu đãi. Sau ngày 15-9-2024, chúng tôi tiếp tục có thêm các chính sách hỗ trợ người dân và đầu tư các trạm BTS mới để đảm bảo vùng phủ 4G tốt nhất.

Trong tháng 7-2024, Viettel Bình Phước đã chặn thử nghiệm thuê bao máy 2G để tạo động lực chuyển đổi cho khách hàng. Nhà mạng này cũng tính toán những vấn đề có thể xảy ra ở giai đoạn sau khi tắt sóng 2G để chủ động phương án xử lý kịp thời, đảm bảo kết nối liên lạc cho người dân.

Cùng với đó, nhà mạng VNPT đang đẩy nhanh kế hoạch tắt sóng 2G theo kế hoạch để tiết kiệm chi phí vận hành mạng lưới, dành băng tần số vô tuyến điện, hạ tầng kỹ thuật cho các công nghệ tiên tiến hơn như 4G và 5G theo đúng định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Nguyễn Trường Tùng, Giám đốc VNPT Bình Phước chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai sóng di động 4G đạt 100% các khu dân cư với hơn 650 trạm 3G/4G. Dự kiến đến cuối năm 2024 và đầu 2025, VNPT sẽ đầu tư bổ sung thêm 750 trạm BTS, nâng cấp hệ thống vô tuyến và đầu tư các trạm 5G tại các khu dân cư, khu thương mại, khu công nghiệp. Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp hạ tầng, bảo đảm hạ tầng mạng lưới và an toàn thông tin phục vụ tốt việc điều hành, trao đổi thông tin của chính quyền, người dân, doanh nghiệp”.

Trong Kế hoạch số 254/KH-UBND ngày 20-8-2024 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10-10-2024), Bình Phước đặt mục tiêu đến hết tháng 9 năm nay, 100% các vùng sóng yếu, lõm sẽ được xóa; 100% cáp quang tới từng hộ dân; 100% người dân trưởng thành được thay thế thiết bị 2G; lắp đặt tối thiểu 35 trạm phát sóng 5G. Đây cũng là một trong các cơ sở để đánh giá kết quả xếp loại CĐS của tỉnh.

Trong bối cảnh cả nước tăng tốc CĐS toàn diện, việc khuyến khích người dùng di động sử dụng dữ liệu để thực hiện các dịch vụ số trở thành yêu cầu tất yếu, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công cuộc CĐS thành công. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng mạng 5G thành công. Tại Bình Phước, các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone… đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đưa vào khai thác mạng 5G. Vì vậy, việc tắt sóng 2G là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

Theo Ngân Hà (Báo Bình Phước)