Bình Phước xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng giúp nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới; nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bình Phước phấn đấu thông qua chuyển đổi số sẽ hỗ trợ 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội.
Kế hoạch số 335 của Bình Phước cũng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình; Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đánh giá Chương trình; Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình; nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.
Theo đó, để hoàn thành các mục tiêu phấn đấu đến 2025 và Chương trình đã đặt ra, Bình Phước đặt ra 7 mục tiêu chính.
Thứ nhất là chuyển đổi nhận thức. Kế hoạch tập trung tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số cho cán bộ triển khai Chương trình các cấp và người dân, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong triển khai các hoạt động của Chương trình.
Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện Đề án.
Mục tiêu thứ hai là triển khai thực hiện kiến tạo thể chế do Ủy ban Dân tộc hướng dẫn, chỉ đạo. Theo đó sẽ thực hiện kiến trúc tổng thể hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình, làm nền tảng lõi cho việc tích hợp các hệ thống thông tin đã và đang triển khai; Thể chế hóa các quy trình quản lý thành các văn bản hướng dẫn; xây dựng và ban hành quy chế, quy trình vận hành hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu số.
Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực bằng các hình thức tổ chức lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo; triển khai các chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số do Ủy ban Dân tộc biên soạn và triển khai.
Hỗ trợ từ xa trong triển khai sử dụng và xử lý những vấn đề phát sinh liên quan trong quá trình triển khai Hệ thống thông tin báo cáo, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
Thứ 4 là triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số
Thực hiện xây dựng thí điểm một số mô hình Chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức, tổng hợp Chương trình tại 01 huyện, 01 xã và 01 ngành của tỉnh; để tạo cơ sở nhân rộng mô hình và căn cứ triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ 5 là xây dựng các hạng mục hạ tầng công nghệ thông tin và quản trị, vận hành, đào tạo, bảo trì
Thứ 6, đảm bảo an toàn, an ninh mạng: xây dựng cơ chế, chính sách về bảo mật, an toàn an ninh mạng; Thuê hoặc mua thiết bị, giải pháp, dịch vụ vận hành đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Xây dựng và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ được phê duyệt các hệ thống thông tin.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, mô hình 04 lớp an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc dự án theo quy định.
Cuối cùng là huy động nguồn lực bằng việc tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.
Huy động các nguồn lực, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số.
Để Kế hoạch được thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh Bình Phước đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch; đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Hải Anh