Bình Ngọc – vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc, chung một con đường với Trà Cổ từ thành phố Móng Cái đi xuống. Tuy không nổi tiếng như Trà Cổ, nhưng phong cảnh tự nhiên và con người Bình Ngọc có những sức hấp dẫn riêng khó quên với du khách. Một khi tiềm năng du lịch được khai thác sẽ là sức bật để miền đất văn hoá này phát triển.
Vùng đất giàu truyền thống lịch sử
Từ TP Móng Cái đi xuống, qua cầu Trà Bình là đến một ngã ba: Rẽ bên trái là ra Trà Cổ, rẽ bên phải là sang Bình Ngọc. Ấn tượng đầu tiên của tôi với vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc ấy là một Bình Ngọc đẹp và trong lành quá. Hàng phi lao cao vút xanh tươi bên con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ như đón chào khách. Trên các trảng cỏ xanh, những chú trâu nhẩn nha gặm cỏ. Vài con cò trắng im lặng đậu xung quanh rình bắt ruồi. Tôi chợt bật cười khi nhớ lại câu nói như dỗi hôm trước của Nguyễn Quý Duyên, 38 tuổi, nữ Bí thư Chi bộ, trưởng khu phố 2, phường Bình Ngọc: Phần nhiều du khách ra đây chỉ quen rẽ sang Trà Cổ, mấy ai sang Bình Ngọc quê em đâu.
Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ 15-16, làng Trà Cổ được thành lập do dân từ Đồ Sơn (Hải Phòng) ra khai canh, đánh cá. Từ Trà Cổ, về sau làng mở rộng thêm các thôn Đông Thịnh, Tràng Lộ, Tràng Sa, Sa Vĩ, Ngọc Sơn và Bình La. Làng Trà Cổ sau lại tách ra thành hai xã Trà Cổ ở phía Bắc và Bình Ngọc ở phía Nam. Bình Ngọc gồm hai thôn Ngọc Sơn và Bình La. Trà Cổ là những thôn còn lại. Năm 2010, xã Bình Ngọc trở thành phường Bình Ngọc, nay gồm 4 khu dân cư với trên 4.000 dân.
Từ đầu xã nơi hàng phi lao, con đường bê tông sạch sẽ chạy suốt tới mũi Ngọc. Núi Ngọc – hay Ngọc Sơn là địa danh được nhắc tới sớm, nhắc nhiều trong các ghi chép của lịch sử. Suốt nhiều thế kỷ, Ngọc Sơn vốn thuộc Vạn Ninh. Nơi đây từng là một trong các bến hàng hoá của Thương cảng Vân Đồn thời Lý đến thời Lê. Từ đây, gốm sứ từ các lò ở Vạn Ninh, các sản vật của Móng Cái đã được trung chuyển tới các tàu buôn trong và ngoài nước. Cũng cần nói rằng, trước khi có một con đường đắp nối Trà Cổ – Bình Ngọc với đất liền như ngày nay, Trà Cổ – Bình Ngọc từng là đảo (giống như vùng Hà Nam, Quảng Yên), giống như bức bình phong án ngữ cửa sông Ka Long, khiến cho bờ trong của Trà Cổ và Bình Ngọc trở thành nơi neo đậu tàu thuyền lý tưởng. Các con đường giao thông thuỷ từ nam Trung Quốc xuống đều đi qua đây. Năm 1284, một cánh quân Nguyên xâm lược Đại Việt đi qua Ngọc Sơn đã bị quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của tướng Trần Toàn mai phục đánh úp – Đại Việt Sử ký toàn thư còn ghi.
Thầy Trần Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Ngọc vô tình trở thành hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đến thăm miếu Gạnh Út, đối diện núi Ngọc Sơn. Miếu nằm trên một quả núi nhỏ, giữa ba bề là rừng ngập mặn, mặt còn lại là biển, trông sang bên kia là xã Vạn Ninh. Ông Nguyễn Văn Quang, người trông coi miếu giải thích với chúng tôi, Gạnh Út – theo tiếng địa phương nghĩa là quả núi nhỏ, “út ít” so với các núi trong vùng. Miếu hiện thờ Trần Khánh Dư và một số danh tướng nhà Trần. Trong miếu còn giữ được một số sắc phong các triều vua Tự Đức năm 1885, Khải Định năm 1924 phong các thần Giác Hải, Không Lộ là thành hoàng của làng Ngọc Sơn.
Ông Quang cho chúng tôi xem một số cổ vật tìm được ở dưới nền và xung quanh miếu, đó là những tháp gạch, bát, hũ bằng gốm, lọ sành, ngói gạch… có niên đại thời Trần, Lê. Chứng tỏ, Gạnh Út từng là một ngôi miếu (hay đền) có lịch sử từ lâu đời. Trải qua thời gian, chiến tranh, công trình đã bị hoang phế cho đến năm 2016, được ông Quang và gia đình và đóng góp của nhân dân, du khách phát tâm công đức xây dựng lại như ngày nay.
Trên đường đến thăm đình Bình Ngọc, chúng tôi tới thăm, thắp hương nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm tại căn nhà tình nghĩa ngành Thương mại Quảng Ninh xây tặng – nay là nơi thờ cúng liệt sĩ. Căn nhà đơn sơ, giản dị hiện do anh Hoàng Văn Khương trông coi, hương khói. Anh Khương cho biết, cha mẹ sinh được 10 người con. Chị Chiêm là thứ ba, anh Khương là thứ tám. Giờ chỉ có anh và người em trai kế sinh sống ở Bình Ngọc, còn lại ở các nơi khác, có người đã mất. Trên ban thờ và bức tường bên trái có 3 di ảnh của người nữ liệt sĩ anh hùng đã chiến đấu rồi hy sinh anh dũng cùng các cán bộ, chiến sĩ Pò Hèn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979. Căn nhà hiện do em ruột nữ liệt sĩ là anh Hoàng Văn Khương trông coi, hương khói cho chị.
“Ngoài mấy bức ảnh thời trẻ, chị tôi chẳng để lại cái gì cả” – Anh Khương bùi ngùi nhưng đầy tự hào khi nhắc lại những kỷ niệm về người chị của mình.
Cạnh đình Bình Ngọc, bên trong khuôn viên trường Trung học cơ sở Bình Ngọc cũ còn tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm của hoạ sĩ Lý Xuân Trường trong dáng đứng hiên ngang, một tay chị cầm súng, một tay cầm lựu đạn, chân đạp lên đầu thù. Nghe nói tới đây, tượng đài sẽ được quy hoạch tôn tạo, xây dựng to hơn.
Đáng chú ý, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Sinh Hưởng – một người con của quê hương Bình Ngọc chính là anh rể của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Hiện gia đình tướng Hưởng định cư ở Nghệ An. Mỗi khi có dịp ông lại trở về thăm quê.
Đình Bình Ngọc nằm ngay bên đường trục chính của xã, gần với trụ sở phường và Trường Trung học cơ sở Bình Ngọc. Năm 1910, xã Trà Cổ chia tách thành xã Trà Cổ và xã Bình Ngọc. Người dân Bình Ngọc đã xây một ngôi đình và rước chân hương ở đình Trà Cổ về để thờ thành hoàng là các nhân thần, thiên thần và 6 vị tiên công đã có công mở đất lập làng Trà Cổ – Bình Ngọc xưa. Hiện đình còn giữ được một số sắc phong thần của nhà Nguyễn như một sự công nhận của nhà nước về lịch sử văn hoá lâu đời của Bình Ngọc. Đình Bình Ngọc là niềm tự hào không chỉ của người dân Bình Ngọc mà còn cả những người con Bình Ngọc xa quê hương đang định cư ở nước ngoài.
Lễ hội đình Bình Ngọc được tổ chức vào ngày 30/5-1/6 âm lịch hằng năm, tính chất, nội dung, quy mô cơ bản giống như lễ hội đình Trà Cổ.
Tiềm năng về du lịch
Có thể nói, Bình Ngọc có vị trí địa lý rất thuận lợi, con người thì thật thà, thân thiện. Từ những cán bộ phường tôi tiếp xúc như các chị Vũ Thị Vân Anh, Phó Bí thư Đảng uỷ; Nguyễn Thị Lan Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường; Đoàn Thị Thu, công chức văn hoá – xã hội… đến những người dân thảy đều hết sức cởi mở, nhiệt tình, mới tiếp xúc đã tạo cảm giác gần gũi như quen từ lâu. Đặc biệt, tôi nhận thấy dường như mỗi người Bình Ngọc đều vô cùng tự hào về truyền thống quê hương mình, về lớp lớp thế hệ ông cha đã dựng xây nên mảnh đất nơi địa đầu này, tự hào là quê hương của nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng…
Thêm nữa là Bình Ngọc giao thông thuận lợi, rất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, như bãi Đá Đen, hàng dương thơ mộng, bãi biển dài hàng cây số, lại có đình Bình Ngọc, miếu Gạnh Út, nghè, miếu thành hoàng gắn với bao truyền thuyết lịch sử…
Thuận lợi là thế nhưng du lịch Bình Ngọc vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Tôi không khỏi ngạc nhiên tới nay cả phường không có lấy một khách sạn, nhà nghỉ, không có quán karaoke, các dịch vụ ăn uống, massage… Một người dân kể vui với tôi, anh từng có bạn đến chơi, khi bạn thèm cà phê, anh phải đưa bạn vào trung tâm thành phố Móng Cái để uống.
Có lẽ từ nhận rõ hạn chế của du lịch Bình Ngọc, ngày 11/4/2022, Đảng uỷ phường Bình Ngọc đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch, dịch vụ phường Bình Ngọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, xây dựng du lịch Bình Ngọc trở thành một trong những Khu du lịch trọng điểm của Móng Cái, có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, tạo dựng thương hiệu du lịch mạnh mang đậm bản sắc độc đáo riêng của Bình Ngọc, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 15-20% tổng thu ngân sách của phường. Xa hơn, đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Ngọc. Bình Ngọc trở thành khu du lịch biển đảo chất lượng cao, một trong những điểm đến hàng đầu của Móng Cái, thu ngân sách từ dịch vụ du lịch chiếm 25-30% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Lan Thanh cho biết, cùng với đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch Bình Ngọc đối với cấp uỷ, chính quyền, người dân, phường cũng đang quan tâm tập trung rà soát, triển khai thực hiện các quy hoạch, tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư xây dựng du lịch; huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án hạ tầng động lực phát triển như Bến cá và dịch vụ hậu cần nghề cá (chợ hải sản Mũi Ngọc), điểm dừng chân và giới thiệu sản phẩm OCOP thế mạnh của Bình Ngọc là hải sản, khoai lang, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây mới các khách sạn, nhà nghỉ, homestay; phát triển hệ thống các nhà hàng hải sản đạt chuẩn đón khách du lịch; chợ hải sản, các dịch vụ văn hóa, ẩm thực.
Bình Ngọc cũng xác định cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn ở những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ của phường theo quy hoạch. Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch nông, lâm, ngư nghiệp, sinh thái rừng – biển; du lịch cộng đồng…
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần. Cùng với các địa phương của Móng Cái, phường Bình Ngọc đang tích cực các công việc chuẩn bị tổ chức liên hoan các câu lạc bộ dân vũ, thể thao, các trò chơi dân gian, team building, tổ chức trải nghiệm một ngày làm ngư dân cho du khách…
“Dịp lễ hội đình Bình Ngọc tới đây, dự kiến phường sẽ có nhiều hoạt động để thu hút du khách, quảng bá về vùng đất, con người Bình Ngọc. Anh trở lại nhé” – Đoàn Thu, cô cán bộ văn hoá xã nhiệt tình, vui tính nhắn nhủ. Tôi hứa với Thu và với Lan Thanh sẽ trở lại bởi tôi mong muốn sẽ thấy Bình Ngọc nhiều cái mới, hấp dẫn, đổi thay. Một Bình Ngọc giàu tiềm năng du lịch như thế không thể cứ mãi ngủ yên.