Bình Liêu quyết tâm bứt phá trong phát triển kinh tế

Việt NamViệt Nam18/02/2025

Năm 2024, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Bình Liêu đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Bước vào năm cuối nhiệm kỳ, với nhiều cơ hội đan xen khó khăn, thách thức, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, thực hiện chủ đề công tác năm 2025 của tỉnh: “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.

Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đến từng thôn bản, lượng khách du lịch đến HTX Hoa Bình Liêu (Thôn Cao Sơn, Xã Hoành Mô) tăng cao trong thời gian qua.

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của huyện Bình Liêu đạt trên 13,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành đạt khoảng 1.600 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đạt 230.000 lượt, tăng 46% so với năm 2023, doanh thu 200 tỷ đồng; tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 102,5 triệu USD, bằng 100,49% kế hoạch. Năm 2025, huyện xác định tập trung phát triển mạnh ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo (chiếm gần 54%), gắn phát triển du lịch với phát triển khu kinh tế cửa khẩu; phấn đấu đạt 500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 20.000 lượt.

Huyện sẽ dồn lực triển khai Đề án Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2030; Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ huyện “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với một số định hướng: Lấy người dân là chủ thể trong phát triển và hưởng lợi từ phát triển du lịch đặc trưng vùng miền núi, biên giới Bình Liêu; nghiên cứu các giải pháp để xúc tiến hợp tác, phát triển du lịch qua biên giới với khu Phòng Thành (Trung Quốc); phát triển thị trường du lịch quốc tế để thu hút du khách đến địa bàn. Huyện cũng sẽ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ tại các điểm du lịch; từng bước đầu tư cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch; hỗ trợ các hộ gia đình phát triển du lịch homestay…

Cùng với đó, huyện Bình Liêu tiếp tục quán triệt tinh thần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Cụ thể, phối hợp với Văn phòng JICA của Nhật Bản hoàn thành dự án “Nâng cao năng lực của cộng đồng dân tộc thiểu số để tham gia hoạt động phát triển du lịch”; xây dựng và đưa vào hoạt động Dự án du lịch cộng đồng tại xã Lục Hồn, Dự án du lịch danh thắng thác Khe Vằn, Bản Văn hóa dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao; phát triển các môn thể thao dân tộc, bóng đá nữ dân tộc… Đặc biệt, phát huy thế mạnh về các di tích danh thắng, di tích lịch sử cấp tỉnh, diễn xướng nghi lễ Then Tày đã được UNESCO vinh danh, quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP… phục vụ phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Thông qua công tác tuyên truyền, các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về quản lý và phát triển du lịch cộng đồng, người dân đã có nhiều thay đổi tích cực trong nếp nghĩ cách làm. Bà Nguyễn Hồng Thanh, Quản lý HTX Hoa Bình Liêu (thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô), chia sẻ: Nhờ quá trình xây dựng NTM của huyện được thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, chúng tôi đã tận dụng được những điểm mạnh từ hệ thống giao thông, hạ tầng ngày càng phát triển, đồng bộ, liên thông. Nhờ đó, thu hút được nhiều du khách tới tham quan, tận hưởng dịch vụ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng thêm một số sản phẩm hấp dẫn hơn nhằm khai thác triệt để tiềm năng thiên nhiên, như trải nghiệm nông nghiệp sạch, tăng việc làm cho bà con địa phương.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu).
Hoạt động XNK tại cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu).

Ngoài ra, huyện Bình Liêu cũng xác định phải phát huy được mạnh mẽ vai trò cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung, để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới và phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư xây dựng chợ biên giới (chợ Đồng Văn, chợ Hoành Mô); phối hợp với các sở, ngành liên quan đầu tư hạ tầng tại khu Kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn theo quy hoạch; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, khu dịch vụ phục vụ nhân dân và khách du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch…

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Một trong những mục tiêu lớn nhất của năm 2025 là nâng cao thu nhập của người dân đạt 100 triệu đồng/người. Huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Để làm được điều đó, phải tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh với các nghị quyết, chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn. Đồng thời, phát huy tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh địa phương như bản sắc văn hóa phong phú, thiên nhiên tươi đẹp và cửa khẩu song phương để phát triển du lịch, kinh tế biên mậu.


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available