Những năm qua, huyện Bình Liêu tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Qua đó ngày càng tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Từng là xã có nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng thiếu thốn, giờ đây Đồng Tâm đã có nhiều đổi thay tích cực, nhất là về hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ phát huy QCDC, người dân luôn tin tưởng ủng hộ và tích cực tham gia các phong trào, nhiệm vụ địa phương phát động. Ông Phùn Gì Quay (thôn Phiêng Chiểng, xã Đồng Tâm) chia sẻ: “Mỗi khi thôn, xã phát động phong trào, cuộc vận động hay mô hình cần sự vào cuộc của nhân dân thì trước đó đều có thông tin đến người dân và tổ chức họp lấy ý kiến. Do đó bà con hiểu và nắm bắt được chủ trương của Nhà nước cũng như nhiệm vụ của mình, từ đó chủ động tham gia đóng góp…”.
Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện tốt việc niêm yết công khai quy trình, thủ tục và giải quyết việc thuộc thẩm quyền theo quy định. Huyện xây dựng bảng tin tại 7/7 trụ sở UBND cấp xã và nhà văn hóa thôn, khu để niêm yết công khai các nội dung cho người dân biết. Huyện công khai các thủ tục hành chính; tiêu chí đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo; danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; danh sách, kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng; các đề án, chương trình phát triển sản xuất; thông báo tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo nghề; các quy định vay vốn ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội; lịch tiếp công dân; số điện thoại của cán bộ, công chức để nhân dân biết, tiện liên hệ công việc…
Các thôn, khu đặt hòm thư góp ý để người dân tham gia góp ý với chính quyền địa phương. Người dân được tham gia bàn bạc, quyết định mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước…
Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, qua quá trình kiểm tra của cấp có thẩm quyền và phản ánh của người dân, đến nay 100% các cơ quan, đơn vị của huyện thực hiện công khai đầy đủ những nội dung, thông tin theo quy định đến người dân. Những thông tin được các xã, thị trấn niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa; thông tin qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp thôn, tiếp xúc cử tri và trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Thực hiện QCDC ở cơ sở, chính quyền và nhân dân trong huyện đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh tại địa phương. Đặc biệt thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các xã đã tiến hành công khai, tạo điều kiện để người dân tham gia bàn bạc, cùng quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông liên thôn, các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình, như: Mức đóng góp; bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trên địa bàn huyện đã đồng thuận, trực tiếp ủng hộ hàng nghìn ngày công lao động, hiến gần 2.000m2 đất, trên 500 cây trồng các loại để xây dựng đường liên thôn, xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh…
Những kết quả đạt được trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã giúp huyện Bình Liêu từng bước hoàn thiện mô hình chính quyền kiến tạo, chuyên nghiệp, do dân, vì dân. Đây là động lực, niềm tin để nhân dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.