Chớm thu mùa hồng, vừa hôm kia, tôi lại nhận được quà từ cao nguyên. Chuyến xe từ Đà Lạt đi Bình Dương mang theo giỏ quà yêu thương đầy những quả hồng chín mọng bạn gửi tặng.
Lần nào gửi quà, bạn cũng không quên “đính kèm” một tin nhắn: “Bình Dương chỗ cậu có gì? Nếu tớ vào đấy thì có gì để chơi?”. Rồi bạn gửi tiếp một tin nhắn trả lời luôn điều vừa hỏi: “Ối, dào! Mà theo tớ biết thì Bình Dương chỗ cậu chỉ toàn nhà xưởng với khu công nghiệp!”.
Lại nhớ lần lang thang công viên Bãi Trước thành phố biển Vũng Tàu, một chú xe ôm nhìn nhìn mặt rồi… “bắt hình dong”: “Ở TP.HCM ra hả?”. Tôi cười trả lời chú: “Dạ, chú! Con từ Bình Dương ra”. Chú xe ôm cười hề hề: “Xời! Tưởng đâu, chớ Bình Dương tui rành… sáu câu vọng cổ! Mà giờ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay Vũng Tàu, chỗ nào cũng khu chế xuất, khu công nghiệp, với không biết bao nhiêu là nhà máy, xí nghiệp”.
Như đã thành “thương hiệu đặc sản vùng miền”, đến mức, giờ nếu đi đâu ra khỏi Bình Dương, mà có ai đó hỏi từ đâu tới, trả lời xong thì kiểu gì tôi cũng biết sẽ nghe câu: “Bình Dương hả? Ở đó chỉ toàn khu công nghiệp!”.
“Này! Cậu đang ở Singapore à?”, bạn nhắn khi vừa nhận được những bức hình tôi gửi. “Ừ! Sing… tại… thành phố mới Bình Dương đấy!”. Bạn thích thú: “Ôi! Đẹp thế? Cảnh quan đúng chuẩn Singapore. Nhất định tớ sẽ làm một chuyến “thực tế” Bình Dương quê cậu xem như nào mới được!”. Mấy lời bạn cảm thán làm tôi nghe rất sướng! Cảm giác rất tự hào! “Cả nước có 11 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore thì Bình Dương quê tớ sở hữu hết 3 rồi đấy nhé”.
Thời điểm năm 1996, khi Thuận An còn là thị xã, chưa là thành phố như hiện tại, một dự án khu công nghiệp với hạ tầng đạt chuẩn quốc tế xanh – sạch – đẹp, với diện tích khoảng 500 ha đã được hình thành, có tên: Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP ), cũng là khu công nghiệp đầu tiên được quy hoạch theo chuẩn Singapore tại Việt Nam.
10 sau, Khu công nghiệp VSIP 2 được hình thành và dự án được mở rộng đến gần 2.000 ha sau 2 năm, phát triển vừa khu công nghiệp, vừa khu đô thị và dịch vụ.
Năm 2022, dự án Khu công nghiệp VSIP 3 với diện tích 1.000 ha được khởi động tại huyện Bắc Tân Uyên, được định hướng phát triển xanh và bền vững với các thiết kế mới, đồng bộ về việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh.
Đất rộng người thưa, dân số khoảng chừng một triệu ngưởi, sau hơn 20 năm phát triển, Bình Dương được xem là nơi “đất lành chim đậu”, đến nay dân số đã xấp xỉ gần 3 triệu người, hội tụ cư dân khắp các vùng miền cả nước.
Từ phương Bắc, bạn làm chuyến xuyên mây, đến vùng đất miền Đông. Từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tôi “thiết kế” đưa bạn chuyến vòng quanh thành phố mới Bình Dương bằng phương tiện vừa tiện nghi vừa ít tốn kém nhất: buýt!
Bạn bỗng bị… hết hồn! “Ối! Tớ cứ tưởng mình đang buýt ở… xứ sở hoa anh đào đấy chứ!”. Chẳng vì chú tài xế cúi đầu chào bạn bằng thái độ rất lịch thiệp khi bạn vừa bước chân lên xe làm bạn… bối rối! Tôi mở đầu bài… “thuyết trình” với bạn: “Becamex Tokyu Bus là dự án giao thông đầu tiên của Nhật Bản tại Việt Nam mang phong cách công nghệ Nhật. Sử dụng khí CNG làm nhiên liệu chính nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm sự ô nhiễm môi trường, mang đậm tính chất công nghệ và văn minh – văn hóa Nhật; vận hành với phương châm phục vụ: an toàn, tiện nghi, đúng giờ”.
Buýt dọc ngang các ngã đường. Ngang qua tòa tháp đôi – trung tâm hành chính Bình Dương, những tòa nhà, nhà máy, xí nghiệp, những con đường quanh thành phố đều được phủ kín bởi những hàng cây xanh đều thẳng tắp. Nhìn thành phố trôi ngược bên ngoài ô cửa kính, bạn vừa ngạc nhiên vừa thích thú: “Bình Dương tuyệt vời! Cậu sướng thật!”.
“Xe buýt Tokyu là phương tiện giao thông thân thiện của người dân Bình Dương. Kế hoạch tăng trưởng xanh về lĩnh vực công nghiệp, giao thông sẽ giúp Bình Dương đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, đạt chuẩn quốc tế với diện mạo hoàn thiện và hiện đại bậc nhất trong thời gian ngắn nữa thôi”, tôi kết thúc bài “thuyết trình” lúc bạn gật đầu cảm ơn chú tài xế xe buýt, bước xuống xe.
Bạn đến Bình Dương đúng vào dịp lễ hội rằm tháng giêng. Buổi sáng đưa bạn dạo một vòng trung tâm thành phố Thủ Dầu Một. Bạn ngắm người, ngắm phố. Rồi bạn… ngơ ngác, ngạc nhiên khi nhận được quá chừng lời mời mọc thân tình: “Chú ơi, bánh mì đi chú!”, “Cầm chai nước mát uống cho mát nè con!”, “Mì xào chay đi em trai!”, “Khăn lạnh mát mẻ nè chú ơi!”. “Nước mía hôn em trai?”…
Bạn ngạc nhiên bởi tất cả những mời mọc đều… không phải “chi trả”. Nhiều du khách cảm xúc đến đặt tên là “lễ hội miễn phí”. Vì những ngày thành phố diễn ra lễ hội, bất kể khách là ai, đến từ đâu đều được chào đón, mời mọc rất chân tình!
“Cả thành phố chung tay làm nghĩa cử chia sẻ à? Tớ nhìn thấy bãi giữ xe cũng đề bảng: miễn phí! Đoàn viên thanh niên tặng hương, hoa cho khách viếng chùa. Tớ chả đếm nổi những gian hàng miễn phí. Nhiều quá! Mà tớ cũng chưa từng thấy nơi nào mà cả một thành phố từ chính quyền đến người dân đều xắn tay áo, hào hiệp như này. Thức ăn, thức uống bày biện dọc khắp, cứ tiện tay lấy…”, bạn chia sẻ niềm xúc động khi dừng lại trước một gian hàng nhận một chiếc bánh mì và một chai nước mát.
Tháng 6, mùa măng cụt chín rộ. Tôi làm một chuyến vòng quanh các nhà vườn Cầu Ngang, Lái Thiêu. Mấy chị, mấy dì nhìn chiếc xe máy trước, sau chất đầy những giỏ măng cụt vừa điểm đỏ. “Mua về bán hả, cậu?”. Tôi chỉ biết nở một nụ cười… méo xệch! “Bán buôn gì cô ơi. Con “lại quả” những món quà bạn phương xa không đó chớ!”. Từ Hà Nội, Hưng Yên, Đà Lạt. Bạn nhận quà, “khứ hồi” hình cái mặt cười, rồi hình trái tim: “Giòn, ngọt, ngon tuyệt vời! Tớ cảm ơn măng cụt đặc sản Bình Dương nhá!”. Chỉ vậy thôi, đâu cần bán mua, tôi đã thấy quá chừng “lời lãi” rồi!
Vùng đất vốn từng thuần nông với những thửa ruộng rau xanh ngút ngắt chân trời, nay diện mạo Bình Dương khác xưa. Những khu công nghiệp, trang trại nông nghiệp đô thị, vườn cây trái… Vẫn một màu xanh nhưng những mảng xanh, xanh ngát, tươi mới và bền vững hơn!
Bình Dương xanh mãi một màu xanh…