Cùng với đó, kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; góp phần tích cực vào việc sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là thành phố thông minh nằm trong Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới.
Thành tựu nổi bật
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp; tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW rộng rãi trong toàn tỉnh, đến nay, công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt và đạt những kết quả nhất định, từ đó có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong đó, tỉnh Bình Dương đã chủ động ban hành các chương trình, quy định, cơ chế và chính sách về tài nguyên, môi trường và ứng phó BĐKH thuộc thẩm quyền một cách rõ ràng, thiết thực để phân giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương thực hiện, như: Quy định về điều kiện tách thửa đất; Quy định vùng cấm và vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và khai thác khoáng sản; Quy định BVMT; Chương trình và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, khu đô thị…
Tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quy chế phối hợp giữa ngành TN&MT với các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức tôn giáo nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vận động, tuyên truyền, phản biện, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Dương còn phối hợp với các địa phương giáp ranh như: TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước để giải quyết các vấn đề tài nguyên và môi trường liên tỉnh, các khu vực ô nhiễm môi trường như kênh Ba Bò và suối Sịp, khai thác cát trên sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng.
Nhằm góp phần cải thiện cũng như nâng cao chất lượng môi trường, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đến nay, tỉnh Bình Dương đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA để triển khai thực hiện các công trình, dự án về thoát nước và xử lý chất thải; đồng thời, các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình xử lý chất thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã trang bị hệ thống quan trắc tự động để quan trắc các thành phần môi trường cũng như kiểm soát các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 109 trạm quan trắc nước thải, 37 trạm quan trắc khí thải, 55 trạm quan trắc nước dưới đất và 3 trạm quan trắc nước mặt tự động; kiểm soát 24/24 thông qua hệ thống quan trắc tự động được 85% lượng nước thải công nghiệp; xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường hơn 8.000 doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và hiện đang xây dựng Phương án thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để đưa vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản tăng thu cho ngân sách, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động khoáng sản.
Theo Sở TN&MT Bình Dương, sau 10 năm thực hiện, các mục tiêu mà Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra, tỉnh Bình Dương đều đã đạt và vượt mức. Cụ thể, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu dân cư, khu nhà ở mới xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung theo đúng hồ sơ môi trường được duyệt; 98,4% chất thải rắn sinh hoạt và 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; chất lượng các môi trường nước được cải thiện đáng kể…
Đồng bộ giải pháp
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, ngoài việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tỉnh Bình Dương cũng sẽ chú trọng các phương án về phân bổ đất đai; thăm dò, khai thác khoáng sản; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; các phương án BVMT, phân vùng môi trường trong quy hoạch phát triển của tỉnh; xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện, kế hoạch BVMT giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2025 – 2030.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực từ các nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA và vốn của doanh nghiệp trong việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, BĐKH, diễn biến chất lượng thành phần môi trường; đồng thời, đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó BĐKH, thoát nước và xử lý chất thải, cải thiện dòng chảy và chất lượng môi trường… trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và BVMT; đặc biệt, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong đó, tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác giao, cho thuê đất theo hình thức đấu giá; kiểm soát chặt chẽ việc giao, thuê đất; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai; kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, không đúng mục đích; tăng cường quản lý và phát triển thị trường bất động sản.
Đồng thời, tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, chấm dứt tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trái phép; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, quản lý và sử dụng các nguồn thu đúng quy định, có hiệu quả; phối hợp với các tỉnh/thành lân cận trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trong việc chia sẻ, khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước.
Tỉnh Bình Dương cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, tăng cường công tác hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Song song đó, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống quan trắc, giám sát xử lý chất thải và năng lực ứng phó với sự cố môi trường; tiếp tục hợp tác với các tỉnh/thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai triển khai thực hiện bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai nhằm phát triển bền vững cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.