Việc triển khai thực hiện Thông điệp của Đức Giáo hoàng và Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo vệ môi trường tại Bình Định.
Không gian xanh thân thiện môi trường tại giáo xứ Gò Thị. (Nguồn:dangcongsan.vn) |
Đến giáo xứ Gò Thị (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) có thể thấy cảnh quan nơi đây khang trang, sạch đẹp với cây xanh bao phủ đa phần không gian. Các gia đình, nơi sinh hoạt cộng đoàn đều bố trí nơi bỏ rác gọn gàng, ngăn nắp. Khuôn viên thánh đường vừa trang nghiêm vừa được tô điểm bởi cây cảnh và cây xanh. Đây là những chuyển biến tích cực từ thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Mô hình là sự hưởng ứng cách cụ thể hóa Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo tại Bình Định: “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Thực hiện mô hình, người dân vệ sinh môi trường nơi công cộng, gom rác và bỏ rác đúng nơi quy định; bỏ rác, phân loại rác thải nhựa tại nguồn; trồng cây xanh, kiến tạo cảnh quan sạch đẹp, thân thiện thiên nhiên.
Qua triển khai, những điểm tập kết rác tự phát đã không còn diễn ra; người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh khu dân cư, góp phần cùng nhau xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Cho, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Định cho biết, ngay từ năm 2016, khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm truyền đạt nội dung, thống nhất kế hoạch triển khai vận động đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác tuyên truyền được phối hợp đẩy mạnh tại các xứ đạo, họ đạo nhằm mời gọi cùng nhau hành động vì môi trường “xanh – sạch – đẹp”.
Bên cạnh đó, việc phổ biến nội dung chính về bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất theo Thông điệp Laudato Si của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng được Giáo hội triển khai tới các giáo xứ đã tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống: Không vứt rác, xả thải bừa bãi; bố trí thùng chứa rác thải đảm bảo vệ sinh tại nơi sinh hoạt cộng đồng, tại gia đình; không sản xuất và buôn bán thực phẩm “bẩn”; không chặt cây tùy tiện; không đốt, phá rừng; không đánh bắt chim, cá bằng những phương tiện hủy diệt hàng loạt.
Nội dung bảo vệ môi trường còn được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Định đưa vào thực hiện trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; sống tốt đời, đẹp đạo” và phong trào Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vì thế các hành động bảo vệ môi trường được lan tỏa rộng khắp trên nhiều địa bàn, tới các gia đình, đem lại ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Qua đánh giá giai đoạn 2018-2023 cho thấy, hơn 85% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo sinh sống được công nhận “Làng văn hóa”, hơn 95% gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; đến năm 2023, có 90% các giáo xứ, giáo họ đạt nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hiện nay, đồng bào Công giáo Bình Định không chỉ chấp hành tốt quy định pháp luật về môi trường mà còn ý thức rằng: bảo vệ môi trường là một bổn phận luân lý, bởi môi trường liên hệ đến sự sống của hàng triệu người hiện tại và tương lai. Mỗi hành vi đều được người Công giáo ý thức sao cho không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, tới thiên nhiên.
Nguồn: https://baoquocte.vn/binh-dinh-phat-huy-vai-tro-cua-cac-ton-giao-tham-gia-bao-ve-moi-truong-279434.html