SGGPO
Ngày 27-5, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cảng chuyên dụng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) với tổng vốn khoảng 6.800 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh này, cảng chuyên dụng Khu liên hợp gang thép Long Sơn (giai đoạn 1) đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn đầu tư. Cảng có quy mô 10 cầu cảng/2.525m, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000DWT, khối lượng bốc dỡ hàng hóa từ 21 – 23 triệu tấn/năm; diện tích sử dụng cảng là 496,9ha, trong đó có 23ha đất liền, còn lại mặt biển và 0,47ha đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.
Vùng biển Lộ Diêu – nơi dự kiến sẽ nhường chỗ cho tổ hợp gang thép Long Sơn |
Báo cáo UBND tỉnh nêu lên một số yêu cầu, sự phù hợp dự án cảng chuyên dụng và Khu liên hợp gang thép Long Sơn xét về quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, đất đai, hiệu quả kinh tế… Trong đó, xét quy hoạch quốc gia khu bến cảng Phù Mỹ đã được phân loại nhóm cảng biển số 3 và cảng biển loại I phục vụ khu kinh tế, công nghiệp. Về quy mô, mục tiêu đầu tư đều phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam.
Về sử dụng khu vực biển và đảm bảo hành lang bảo vệ bờ biển, qua rà soát dự án có sự chồng lấn với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển ở Hoài Mỹ. Cụ thể, vị trí chồng lấn nằm ở đoạn 9 (xã Hoài Mỹ) từ điểm D09-4 đến điểm D09-10 chiều dài khoảng 2km, rộng hành lang khoảng 80,2 đến trên 287m.
Về nội dung này, UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự án khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển sẽ được tỉnh này trình cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh theo quy định…
Khu cảng chuyên dùng, Khu liên hợp gang thép Long Sơn bao phủ lên vùng biển Lộ Diêu, với 566 hộ dân phải di dời |
Ngoài ra, dự án có sử dụng khu vực biển theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP (ngày 10-2-2021) của Chính phủ về giao các khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Do vậy, thẩm quyền giao khu vực biển sẽ thuộc Bộ TN-MT khi Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án…
Đánh giá về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án cảng chuyên dùng giai đoạn 1 và Khu liên hợp gang thép Long Sơn, theo chính quyền tỉnh Bình Định, dự án sẽ tạo ra cho tỉnh này giai đoạn mới phát triển kinh tế biển gắn với logictics, phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển; tạo động lực thúc đẩy ngành hàng hải quốc tế kết hợp với phát triển công nghiệp gang thép xuất khẩu, tạo nguồn ngân sách và công ăn việc làm cho người dân…
Hứa hẹn chuỗi dự án khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 7.500 người, ước nộp ngân sách 4.926 tỷ đồng, khi hoạt động toàn dự án đóng góp khoảng 10.395 tỷ đồng; đóng góp tổng sản phẩm địa phương khoảng trên 20.500 tỷ đồng…
Tuy nhiên, dự án trên sẽ trùm toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ), dự kiến di dời 566 hộ dân ở ven biển này. Bên cạnh đó, 1 diện tích dự án bị chồng lấn vùng khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án trại điện gió ngoài khơi vùng biển Hòn Trâu của Tập đoàn PNE (Đức). Về nội dung này, các bên thống nhất cắt giảm diện tích bị chồng lấn ra khỏi diện tích khảo sát dự án trại điện gió của PNE…
UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ KH-ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án. Quá trình triển khai, nhà đầu tư phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cộng đồng và doanh nghiệp, ưu tiên sử dụng lao động địa phương; thường xuyên giám sát hoạt động dự án và kịp thời xử lý các vấn đề môi trường, đất đai, lao động; thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, đánh giá tác động môi trường…
UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT lấy ý kiến Bộ TN-MT về vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực biển nơi dự án triển khai. Đề nghị nhà đầu tư cần phối hợp với các Bộ, nhất là Bộ TN-MT để nghiên cứu sớm bổ sung dự án trong giai đoạn Bộ TN-MT đang xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia 2021 – 2030…
Nhiều trăn trở trong vùng dự án
Gặp gỡ PV Báo SGGP, nhiều người dân ở thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ) bày tỏ quan tâm dự án Nhà máy thép Long Sơn. Mặc dù dự án được hình thành khá lâu, từng được Bình Định cho phép nhà đầu tư khảo sát ở ven biển các xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) sau đó dời ra biển Lộ Diêu. Tuy nhiên, đến nay mọi thông tin người dân nhận được chỉ trên mạng xã hội và qua các kênh báo chí…
Dự kiến 566 hộ dân phải dời đi, nhường đất cho dự án Nhà máy thép Long Sơn |
Một số hộ dân ở xóm 2, thôn Lộ Diêu trình bày, dù đã nghe về dự án nhà máy thép nhưng điều khiến người dân lo lắng là phải di dời đi nơi khác, mất sinh kế và lo ngại môi trường biển.
“Chúng tôi đã sinh sống ổn định ở đây, nơi chôn nhau cắt rốn và có mồ mả tổ tiên nên giờ nghe có dự án nhà máy thép thì lo lắm! Bởi, biển Lộ Diêu đẹp, nước biển trong xanh, xung quanh sơn thủy bao bọc và con cá ngon nhất vùng biển thị xã Hoài Nhơn. Tại sao không làm dự án du lịch mà làm nhà máy thép, buộc dân phải di dời, rồi còn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển”, bà Hồ Thị Lưu (42 tuổi, xóm 2, thôn Lộ Diêu) nêu nguyện vọng.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Viên (45 tuổi, xóm 2) trăn trở: “Ở đây chúng tôi làm ăn ổn định với nhiều nghề, từ nghề biển, làm ruộng, lên rẫy trồng rừng… Có hôm biển trúng cá, mực, tôm hùm nhí thu cũng vài triệu đến vài chục triệu đồng, còn bình quân mỗi ngày 500.000 đồng. Giờ biết làm dự án là để phát triển kinh tế cho địa phương, nhưng bà con vẫn lo nhà máy thép khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến môi trường ven biển”.
Khung cảnh bình yên bên làng chài Lộ Diêu |
Liên hệ đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ thì ông này hẹn qua tháng 6 sẽ thông tin cụ thể cho báo chí. Bởi theo ông Tuấn, ngày 30-5 tới đây, UBND tỉnh Bình Định sẽ tổ chức công bố chính thức về thông tin của dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn cho người dân, dư luận nắm.