Ngày 12/9, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Phù Cát tổ chức lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” tại xã Cát Tường.
Làng nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia tọa lạc ở làng Phú Gia, xã Cát Tường có tuổi đời hơn 200 năm.
Nón ngựa Phú Gia là một sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, được người dân duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công, trải qua 10 công đoạn khác nhau từ tạo sườn đến thêu truyền, kết lá… Nón được kết thành 10 lớp với nguyên liệu là lá kè, ống giang, rễ dứa… mọc tự nhiên trong rừng nên rất bền, chắc có thể đạt tuổi thọ 150-200 năm.
Sản phẩm nón ngựa Phú Gia, như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là di sản văn hóa và là niềm tự hào của người dân bản địa. Nón ngựa Phú Gia ghi dấu ấn sự hình thành và phát triển của Phù Cát, là một sản phẩm chứa đựng giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời của người dân Phù Cát.
Ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, làng nghề Phú Gia còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, một số nguyên liệu cũng được thay đổi cho phù hợp với xu hướng thị trường.
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề; tôn vinh, biểu dương cộng đồng dân cư và các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Hiện nay, làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định.
Với việc nghề chằm nón ngựa Phú Gia được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Bình Định đã có 5 di sản nằm trong danh sách này. Đó là: Võ cổ truyền, hát bội, bài chòi, lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước và nghề chằm nón ngựa Phú Gia.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/binh-dinh-don-bang-di-san-quoc-gia-nghe-cham-non-ngua-phu-gia-post312042.html