Cao nguyên La Vuông thuộc vùng núi xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cao 700m so với mực nước biển, địa hình bằng phẳng xen kẽ triền đồi, triền dốc. Để lên được đỉnh núi phải trải qua các con đường dốc núi ngoằn ngoèo, băng qua cánh rừng cây cối, phía trên là thăm thẳm đường dốc, phía dưới là vách núi chênh vênh hiểm trở.
Trước đây, muốn đi La Vuông phải chọn thời điểm thích hợp, lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị phương tiện di chuyển, tư trang cần thiết và phải liên hệ với người thạo đường ở địa phương để bảo đảm an toàn chuyến đi. Hiện nay, đường bê-tông đã được xây dựng, kéo dài tới tận đỉnh, điện lưới quốc gia cũng đã hiện hữu ở khu vực này.
Vùng đất bốn mùa
Thời tiết Nam Trung Bộ khá nóng, nhưng nhiệt độ ở La Vuông có sự chênh lệch rõ rệt so với dưới núi. Nhiều người nhận xét rằng, ở đây có thể trải nghiệm gần như bốn mùa trong một ngày. Buổi sớm khí hậu mát mẻ, bầu trời mờ ảo trong sương, mây; về trưa ngắm trời xanh bên những tán rừng nguyên sinh hùng vĩ; chiều xuống ngắm hoàng hôn với thời tiết se se lạnh và khá rét khi về đêm. “Cao nguyên La Vuông có khí hậu, khung cảnh rất tuyệt vời thích hợp với những ai thích khám phá thiên nhiên. Mấy năm trước, đường lên La Vuông rất hiểm trở bởi phải đi đường núi, nhưng bây giờ đã có đường mới, đi lại thuận tiện, hy vọng thời gian tới nơi đây sẽ có nhiều dịch vụ để phục vụ khách du lịch tốt hơn nữa”, anh Nguyễn Văn Thành, một cư dân ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn chia sẻ.
Với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt, La Vuông từng là vùng đất thực dân Pháp dự định xây dựng khu nghỉ dưỡng cho giới quan chức thời thuộc địa, giống như Tam Đảo, Sa Pa, Bà Nà…, nhưng rồi mới chỉ ở mức độ khảo sát thì bỏ cuộc. Theo sử sách ghi chép, năm 1901, chính quyền thuộc địa đã giao quyền khai thác vùng đất khoảng 500 ha này theo hình thức nhượng địa cho một chủ đồn điền có tên Alavoine. Ông chủ thực dân này muốn biến La Vuông thành một đồn điền tầm cỡ như nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La) ngoài miền bắc sau này, nhưng thời đó nơi đây vẫn còn hoang dại với nhiều loài thú hoang dã. Có lẽ khi ấy chính quyền thực dân cũng không dám mạo hiểm đầu tư vào một nơi quá nhiều rủi ro, nhất là khi thường xuyên phải đương đầu với các cuộc đấu tranh quyết liệt của người dân địa phương…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn cho biết, cao nguyên La Vuông nằm ở độ cao lớn so với mực nước biển. Cách đây bốn tháng, vùng đất này còn rất hoang sơ, chưa có điện, đường lên chưa hoàn thiện, chưa có cơ sở vật chất-kỹ thuật du lịch… Du khách đến La Vuông có thể trải nghiệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong một ngày. Ngã ba Đông Dương, Trường Lũy, sân bay Đồi Thông, bãi Bằng Lạc, hồ Cầu Lầy, núi Chúa, suối Cô Tiên, cổng Trời, thác Ba Tầng… đều là những điểm đến phù hợp cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái rừng, phù hợp các môn thể thao địa hình.
Trong các cuộc đấu tranh giữ nước, nhất là trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Hoài Nhơn là một trong những chiến trường ác liệt nhất giai đoạn 1964-1972, song vùng đất và con người nơi đây luôn kiên cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Lúc đó La Vuông là sân bay dã chiến của Sư đoàn không vận số 1 Hoa Kỳ, Lữ đoàn 173 và quân đội Sài Gòn, cho nên mọi hoạt động đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Thế nhưng, sự xuất hiện của một tuyến đường từ huyện An Lão sang Hoài Sơn mang tên “con đường Hòa Bình” đã tiếp viện lương thực, cung cấp vũ khí đạn dược cho Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân dân Hoài Nhơn để chiến đấu với kẻ thù. Tiếc rằng, sự tàn phá của chiến tranh quá khốc liệt, khiến đất đai trở nên cằn cỗi, để rồi cả một vùng cao nguyên rộng lớn trở thành đống đổ nát hoang tàn không một bóng người. Sau giải phóng, có lúc nơi đây đã thành lập lại nông trường nuôi bò, nhiều dự án quy hoạch từng được triển khai, nhưng do địa thế, hạ tầng, giao thông đi lại quá khó khăn, cho nên những dự định trên cũng đành bỏ ngỏ.
Cao nguyên La Vuông thu hút đông đảo du khách khắp nơi đến tham quan, du lịch. |
“Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thị xã Hoài Nhơn sẽ tiếp tục, tăng cường phối hợp với các sở, ngành tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch sinh thái rừng cao nguyên La Vuông. Công tác quy hoạch này được xem là những viên gạch đặt nền móng đầu tiên, bảo đảm về tính pháp lý và định hướng không gian phát triển du lịch khoa học, hiệu quả. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng; chuẩn bị tốt các cơ sở pháp lý, nhất là về đất đai để triển khai thu hút đầu tư, các dự án đầu tư, xây dựng các điểm, khu du lịch và hạ tầng liên quan như: Đường, điện, nước, cảnh quan… để thu hút và phát triển du lịch”, đồng chí Lê Đăng Tuấn cho biết.
Đánh thức tiềm năng
Hiện nay, tỉnh Bình Định đang nghiên cứu, tìm hướng phát triển du lịch tại cao nguyên La Vuông theo ý tưởng thiết kế đã đoạt Giải nhất Cuộc thi Ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông, do Sở Xây dựng tỉnh Bình Định tổ chức. Theo đó, ý tưởng đề xuất xây dựng quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, giải trí dựa vào thiên nhiên và các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử cao nguyên La Vuông với thông điệp “La Vuông Glamping – Thế giới sắc màu trên cao nguyên xanh”. Dự kiến quy mô quy hoạch quần thể du lịch cao nguyên La Vuông diện tích khoảng 500 ha và hướng đến xây dựng nơi này trở thành quần thể du lịch tầm cỡ khu vực Nam Trung Bộ.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ thu hút các dự án nghỉ dưỡng sinh thái Glamping, phát triển các dịch vụ trải nghiệm khám phá thiên nhiên rừng núi Chúa, cùng các hoạt động thể thao giải trí dù lượn, diều lượn, trò chơi dân gian… Ngoài ra còn có các dịch vụ du lịch theo phong cách sống xanh (các giải chạy địa hình marathon, xe đạp địa hình, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hình thức thiền, yoga…). Được biết, tổng mức đầu tư theo quy hoạch khoảng 700 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 80 tỷ đồng.
Ông Trần Hạnh, đại diện Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Phương Việt-đơn vị đoạt Giải nhất Cuộc thi Ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông cho biết: “Vùng đất này có nhiều giá trị lịch sử, cần bảo vệ, phục hồi và tạo dựng nên hình ảnh thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm chủ đạo trong phát triển du lịch. Vì vậy, chúng tôi có rất nhiều ý tưởng để xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch từ nghỉ dưỡng nhằm khai thác những lợi thế về khí hậu, rồi những hoạt động thể dục-thể thao, giải trí xanh, dù lượn, diều lượn… để thu hút du khách. Chúng tôi cũng thiết kế những công trình đặc biệt như cầu kính để tạo ra một điểm du lịch dựa vào thiên nhiên. Trong tương lai không xa, La Vuông sẽ là điểm khám phá, trải nghiệm với các dịch vụ như trekking (đi bộ đường dài, xuyên rừng), leo núi, khám phá vẻ đẹp núi rừng. Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu đời sống văn hóa người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực; khám phá các địa danh gắn với lịch sử như Đồn Thứ (nằm trong dãy Trường Lũy), Đồng Truông… Ngoài ra các dịch vụ lưu trú, cắm trại; mua sắm nông sản, đặc sản địa phương; trải nghiệm các hoạt động thể thao… sẽ được triển khai thực hiện tại cao nguyên này”.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, ý tưởng thiết kế quy hoạch khu vực phát triển du lịch sinh thái thảo nguyên La Vuông được thực hiện công phu, nghiêm túc, phù hợp với ý tưởng lãnh đạo tỉnh đề ra. Thời gian tới, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định sẽ có ý kiến, tham gia góp ý về quy hoạch phát triển du lịch ở La Vuông, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phê duyệt và tạo điều kiện để tỉnh thu hút các nhà đầu tư. Trong thời gian tới sẽ có điểm du lịch đặc sắc trên vùng cao nguyên này. Ngoài du lịch biển đảo, du lịch văn hóa lịch sử, cảnh quan, Bình Định sẽ có một khu du lịch gắn với một cao nguyên thơ mộng trên vùng đất anh hùng thị xã Hoài Nhơn.
Đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch kết hợp các sản phẩm du lịch địa phương, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với thị xã Hoài Nhơn nghiên cứu, trồng các loài cây phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, tạo không gian xanh mát, thân thiện với tự nhiên. Các sở, ngành, thị xã Hoài Nhơn và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng giao thông tại cao nguyên để thúc đẩy hoạt động du lịch.
Có thể thấy, dù mới chỉ là bước đầu khai phá, còn rất nhiều việc phải làm để cao nguyên La Vuông thành điểm đến thu hút du khách, song một viễn cảnh tươi mới đã hiện lên qua cuộc hội tụ của hàng nghìn du khách tại sự kiện “La Vuông-Cao nguyên xanh vẫy gọi”. Với những đoàn xe nối đuôi nhau về trong lễ hội, hy vọng khi cơ sở hạ tầng được đầu tư một cách bài bản cùng các dịch vụ thiết yếu phát triển du lịch, La Vuông sẽ trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách.
Nguồn: https://nhandan.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-la-vuong-post834054.html