Tàu cá do ông Nguyễn Văn Luyến, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn làm chủ mang về bờ, sau 16 ngày khai thác trên biển.
Không giấu được niềm vui khi là tàu đầu tiên mang rác thải về bờ, ông Luyến vui vẻ cho biết, tàu ông làm nghề vây ánh sáng, gồm 11 thuyền viên, tàu xuất bến vào ngày 29.11. Trước khi xuất bến, ông đã dặn dò kỹ lưỡng các bạn thuyền là tất cả các rác nhựa sinh hoạt phải thu gom bỏ vào túi lưới, chứ không được vứt xuống biển, nếu túi lưới đầy thì bỏ xuống hầm, hoặc mang theo bao tải, túi lưới tự chế để đựng. “Tôi đã nói với họ rằng, nếu cảng cá Quy Nhơn họ kiểm tra số rác mang về không đủ với số lượng ban đầu đã mang đi thì chủ tàu sẽ bị phạt 5-7 triệu, chính vì vậy tất cả bạn tàu đều nghe theo”, ông cười.
Sau khi các hình ảnh tàu cá mang rác về bờ được chị Nguyễn Thị Minh Lệ, đội trưởng Đội thu gom rác thải nhựa tàu cá, chia sẻ vào Nhóm zalo “ Mô hình các tàu cá mang rác thải về bờ”, tất cả mọi người đều cảm thấy rất xúc động và hạnh phúc. Chị cho biết “nói chung là rất vui khi bà con ngư dân có ý thức đem rác thải về bờ. Mong rằng các chủ tàu thuyền trưởng hãy phát huy và tuyên truyền để mô hình được thành công trên diện rộng”.
“Mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ” thí điểm cho 200 tàu cá trên toàn tỉnh thường xuyên cập cảng Quy Nhơn. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích ngư dân hạn chế xả rác thải nhựa xuống biển, dần hình thành thói quen tốt đối với việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa trên tàu cá.
Người đưa ra sáng kiến về quản lý rác thải nhựa trên tàu cá và chế tạo ra “sọt rác” chuyên dùng cho tàu cá là TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. Ông Vinh cho biết “trong quá trình nghiên cứu về quản lý rác thải, tôi nhận thấy một vấn đề rác thải nhựa đại dương không phải chỉ đến từ đất liền như nhiều người đã biết mà một lượng lớn rác thải nhựa được tạo ra từ đời sống sinh hoạt hằng ngày của ngư dân trên biển.
Phần lớn các tàu cá hiện nay đều không có dụng cu thu gom rác thải. Tất cả các loại thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm được mang theo sau 1 chuyến biển kéo dài gần một tháng đều đã trở thành rác và nằm lại ngoài đại dương. Vì vậy ngoài việc ngăn chặn nguồn rác thải từ bờ, phải tiếp cận ngay với ngư dân để hoạt động trên tàu giảm phát thải rác, trước mắt phải làm sao để ngư dân dễ dàng thu gom lưu giữ rác thải nhựa trên tàu cá để đưa về bờ sau chuyến biển.
Chính vì vậy, tôi đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá là một trong 3 mục tiêu chính của phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn”, giai đoạn 2022-2024, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ , UBND TP Quy Nhơn chủ trì phối hợp với Chi cục Thủy sản và Ban quản lý Cảng cá Bình Định (Sở NN&PTNT) cùng triển khai.
Trước đó, vào ngày 27/11, UBND TP Quy Nhơn phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá Bình Định, Tổ chức UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động kết hợp tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển cho các tàu cá Bình Định tham gia mô hình.
Tại sự kiện, các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định được các chuyên gia Dự án giới thiệu về mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ. Dự án cũng đã hỗ trợ 200 túi đựng rác thải để các chủ tàu trang bị trên tàu cá; trao thiết bị hỗ trợ mô hình thu gom rác thải nhựa và ra mắt tổ thu gom rác thải nhựa cảng cá Quy Nhơn.
Dự án cũng đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn. Theo đó, Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn được xây dựng mới với các hạng mục: Khu nhà kho thu gom, phân loại, đóng gói rác thải nhựa có diện tích 96 m2; phòng thay đồ của nhân viên thu gom rác; sân bê tông hơn 117 m2; hệ thống tường rào; thiết bị điện, nước, vệ sinh… với tổng mức đầu tư hơn 592 triệu đồng.