Theo ông Tạ Xuân Chánh – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, trong các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định được đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, làng nón ngựa Phú Gia chiếm một vị trí khá quan trọng.
“Từ lâu, người dân Bình Định rất tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Xét trên bình diện lịch sử, từ thời hoàng đế Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón không chỉ dùng để đội đầu che mưa, che nắng mà còn là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, là hình ảnh chiếc nón ngựa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống người Bình Định”, ông Chánh chia sẻ.
Cũng theo ông Chánh: “Trong thời gian tới, sở sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch về bảo vệ và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống – nghề chằm nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường.
Đây là tài nguyên văn hóa giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển ngành du lịch, làm cho hoạt động du lịch thêm phong phú”.
Bà Nguyễn Thị Tâm (73 tuổi, ở làng Phú Gia) cho biết bà đã theo nghề này từ nhỏ.
Nghề này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian nhưng thu nhập thấp, nên nhiều người đã bỏ nghề.
“Chúng tôi rất vui vì làng nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đây, chúng tôi có truyền nghề cho con cháu, nhưng chúng nó ít quan tâm bằng thế hệ chúng tôi. Tôi rất mong Nhà nước quan tâm để giữ gìn, phát triển nghề này vì đó là công sức của cha ông ta để lại”, bà Tâm chia sẻ.
Làng nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia tọa lạc ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, có tuổi đời hơn 300 năm.
Hiện nay, ở xã Cát Tường có khoảng 120 hộ còn làm nghề nón ngựa. Ngày xưa, chỉ có vua, quan triều đình mới được đội nón này.