Ngày 24/6, UBND tỉnh Bình Định cho hay, tại kỳ họp 16 của HĐND tỉnh Bình Định mới đây, HĐND biểu quyết thông qua các Nghị quyết quan trọng.
Trong đó, Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 có 6 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 5 phường, 1 xã) thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị hành chính cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới hành chính đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, ở TP Quy Nhơn sẽ sáp nhập diện tích tự nhiên, dân số các phường Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Trần Phú. Sau khi sáp nhập, phường Trần Phú sẽ có diện tích 2,32km2, dân số 37.997 người và có 17 khu phố. Sáp nhập các phường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Thị Nại thành phường Thị Nại có diện tích 2,94km, 35.417 người với 22 khu phố.
Còn tại thị xã Hoài Nhơn, sáp nhập diện tích tự nhiên, dân số xã Hoài Hải vào phường Hoài Hương. Sau khi sáp nhập, phường Hoài Hương sẽ có diện tích 15,44km, 28.613 người.
Kỳ họp thông qua Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025.
Đối tượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nguyện vọng thôi việc, nghỉ hưu sẽ được giải quyết các chính sách, hỗ trợ theo quy định Chính phủ, HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 1 lần (sử dụng ngân sách tỉnh).
Đối với cán bộ, công chức được hỗ trợ 12 tháng tiền lương, thưởng, không bao gồm phụ trách kiêm nhiệm, mức hỗ trợ không thấp hơn 80 triệu đồng. Đối với cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, sẽ được hỗ trợ 12 tháng phụ cấp thưởng, mức tối thiểu không thấp hơn 50 triệu đồng.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, trong việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, nổi lên 1 vấn đề khiến các đại biểu quan tâm về giải quyết chế độ, chính sách và sắp xếp lại công việc cho con người sau sáp nhập 6 xã, phường.
Ông Hồ Quốc Dũng cho hay, sau sáp nhập, có 81 nhân sự không được sắp xếp lại việc làm, trong đó có 67 cán bộ công chức, 14 nhân sự không chuyên trách. Trong số những người bị ảnh hưởng, có những cán bộ, lãnh đạo cấp xã, phường họ có thời gian cống hiến rất lâu, thậm chí có những người dành cả đời làm việc, cống hiến. Vì vậy, cần tính toán sắp xếp, giải quyết kỹ lưỡng, cố gắng sắp xếp tối đa cho đối tượng là cán bộ công chức.
“Những trường hợp không được sắp xếp lại công việc sau sắp xếp chúng ta dùng từ “dôi dư”. Theo tôi, dùng “dôi dư” như vậy là chưa phù hợp, khiến cán bộ chúng ta sẽ buồn, trăn trở. Bởi, ở đây có những cán bộ họ cống hiến rất lớn, có người cống hiến cả đời. Chỉ vì chúng ta sắp xếp lại nên họ phải nghỉ công tác, chứ không phải họ không làm được việc”, ông Dũng nói.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định nêu quan điểm, tỉnh sẽ cố gắng sắp xếp tối đa công việc cho 67 cán bộ công chức, còn trường hợp không chuyên trách sẽ giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định. Việc, sắp xếp công việc cho 67 cán bộ công chức, thẩm quyền cấp tỉnh sẽ xem xét để bố trí lại ở các vị trí công tác phù hợp.
Thành lập tổ “bảo vệ bình an” thôn, khu phố
Tại kỳ họp 16, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thống nhất cao với Nghị quyết về quy định, tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) thôn/khu phố và tiêu chí số lượng, thành viên và chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia tổ này. Ông cho rằng, thành viên của bảo vệ ANTT thôn, khu phố rất quan trọng và đặc thù. Họ là những người làm việc thường xuyên cả ngày lẫn đêm, đối khi phải đối mặt với các hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho người dân. Vì vậy, cần có các chế độ, chính sách tốt cho họ. Trong chính sách, cần rà soát các trường hợp cụ thể với đặc thù công việc, địa bàn để đưa ra các tiêu chí chế độ…
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-dinh-chinh-sach-nhan-van-voi-can-bo-sau-sap-nhap-xa-phuong-a669808.html