Mỹ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có thể đã bị hư hại sau đợt tấn công tên lửa mới nhất của Nga nhằm vào Kiev ngày 16/5 vừa qua. Chỉ tính riêng tháng này, Moscow đã thực hiện tám đợt tấn công tên lửa vào thủ đô của Ukraine.
Tháng trước, các tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ cho thấy kho tên lửa phòng không tầm trung sản xuất từ thời Liên Xô của Ukraine đang cạn kiệt trầm trọng. Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận hệ thống phòng không của nước này “không đủ tốt để ứng phó”.
Siêu tên lửa Kinzhal kết liễu phòng không Patriot
Các tên lửa đánh chặn Patriot có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, gồm máy bay tầm cao và tầm trung, cùng các tên lửa hành trình và một số loại tên lửa đạn đạo. Giới phân tích quân sự phương Tây nhận định Nga sẽ nỗ lực vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ này để mở ra không gian tác chiến cho những đợt không kích.
Với trọng lượng 5 tấn, tầm bắn 1.800km, tốc độ tối đa lên tới Mach 12,5 – vượt quá khả năng đánh chặn của các hệ thống phòng không khác trong biên chế Ukraine, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đang là “con át chủ bài” của các đợt tấn công tên lửa từ phía Nga.
Trong khi đó, Patriot, với trang bị hệ thống radar mạnh mẽ có khả năng phát hiện tên lửa Kinzhal phóng đi từ các máy bay chiến đấu, song chính những phản xạ radar này cũng phát ra tín hiệu mà Nga có thể bắt được và truy về trận địa phòng không bên trong Kiev.
Không giống các tổ hợp phòng không tầm ngắn có khả năng cơ động cao, Patriot gồm nhiều bộ phận cồng kềnh, khó lòng di chuyển kịp thời sau khi khai hoả, khiến chúng trở thành “miếng mồi ngon” khi lộ diện.
Trong đợt tấn công mới nhất, đòn tập kích ồ ạt của Moscow khiến phòng không đối phương nhanh chóng quá tải khi phải liên tiếp đánh chặn số lượng tên lửa tấn công áp đảo. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sau khi những hệ thống phòng thủ tên lửa bắn hết cơ số đạn, “sát thủ” Kinzhal được bắn đi từ một tiêm kích MiG-31 đang chờ sẵn để tung đòn kết liễu Patriot.
Video chia sẻ trên Telegram cho thấy trận địa phòng không nghi là Patriot tại Kiev đã phóng liên tiếp 30 quả đạn trong vòng 2 phút ra nhiều hướng, dường như để đánh chặn Kinzhal. Vài phút sau khi dừng khai hoả, một chớp lửa lớn phát ra bên trong trận địa có thể là khoảnh khắc tổ hợp tên lửa này dính đạn.
Tom Korako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa của CSIS đánh giá trận tập kích của Nga phức tạp, tinh vi với nhiều loại tên lửa có quỹ đạo khác nhau, nhưng không nhằm mục đích khiến phòng không Ukraine rối loạn, mà nhắm trực diện vào tổ hợp Patriot – mục tiêu có giá trị cao nhất trong hệ thống phòng thủ.
Chiến tranh “tiêu hao”
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Ukraine nhận được nhiều tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung từ các thành viên NATO. Song, chủ lực bảo vệ bầu trời thủ đô của nước này vẫn đặt trên vai hai tổ hợp Patriot – một do Mỹ viện trợ và còn lại do Đức cung cấp.
“Lưới lửa” phòng không Kiev đang sử dụng là sự pha trộn giữa một số hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất hiện nay như khẩu đội IRIS-T của Đức và những nền tảng kém hiện đại hơn, chẳng hạn như hệ thống chống tên lửa Hawk – tiền thân của Patriot.
Trong khi đó, những vũ khí mà Ukraine sở hữu trước chiến tranh nổ ra, chủ yếu được sản xuất từ thời Liên Xô, như tên lửa phòng không tầm trung S-300 và Buk M1. Thống kê mới nhất từ CSIS cho thấy, các hệ thống cũ này vẫn đạt hiệu quả đánh chặn khoảng 80% trong giao tranh, còn tỷ lệ thành công của những nền tảng phòng thủ mới hơn như IRIS-T hay NASAMS của Mỹ có thể lên tới 90% – 100%.
Tuy nhiên, cuộc chiến “tiêu hao” đang diễn ra khiến kho đạn phòng không của Kiev nhanh chóng cạn kiệt. “Với số lượng tên lửa hạn chế còn lại, Ukraine sẽ cần giữ chúng bảo vệ cho các mục tiêu có ưu tiên cao nhất”, trích báo cáo của CSIS.
Trong đợt tấn công mới nhất ngày 16/5, người chỉ huy lực lượng quân đội Ukraine nói rằng, Nga đã phóng 18 tên lửa trong vòng chưa đầy 60 phút, từ nhiều hướng khác nhau, gồm tên lượt siêu vượt âm Kinzhal từ tiêm kích, tên lửa hành trình Kalibr từ Biển Đen, tên lửa đạn đạo Iskander từ đất liền, cùng nhiều tổ đội UAV và drone cảm tử.
(Theo CNN, CSIS, RIA Novosti)