Giỏ hàng biệt thự, nhà liền kề tại TPHCM với giá khoảng 30 tỷ đồng/căn trở lên vẫn được rao bán đều đặn trên một số trang mua bán nhà đất.
Một căn biệt thự mặt tiền đường 13, TP Thủ Đức có diện tích 500m2 được rao giá 53 tỷ đồng. Môi giới giới thiệu đường trước nhà 8m, nhà 3 phòng ngủ, sổ hồng chính chủ. Cũng tại TP Thủ Đức, một biệt thự 2 mặt tiền ven sông Sài Gòn với diện tích 452m2 được rao bán 45 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số căn biệt thự diện tích lớn ở đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Minh Hoàng, Thăng Long (Tân Bình) hay Hồ Văn Huê, Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận) cũng có mức giá trên 30 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, một môi giới cho rằng không dễ bán các sản phẩm diện tích lớn, giá cao ở giai đoạn này. Bởi khách hàng không sẵn nguồn tiền, việc vay ngân hàng vẫn gặp khó khăn. Hơn nữa, người bán cũng không chiết khấu thêm cho khách mà giữ giá khá chặt.
Trên thị trường sơ cấp, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy gần như không có hoạt động gì đang diễn ra ở phân khúc nhà phố, biệt thự. Quy mô dân số TPHCM trên 10 triệu dân nhưng nguồn cung chỉ gần 770 căn, thấp nhất trong 10 năm qua và không có nguồn hàng mới.
Thị trường có 64 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ chỉ 8%. Các chủ đầu tư ngưng bán hàng, hạn chế tiếp thị, không còn các chính sách bán hàng đa dạng như thanh toán kéo dài, cam kết thuê để có tăng sức cầu.
Bà Giang Huỳnh, chuyên gia từ Savills Việt Nam, nhìn nhận hàng tồn kho giá cao (trên 30 tỷ đồng/căn) chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường (86%) trong khi nguồn cung mới nhỏ giọt là lý do khiến phân khúc này èo uột. Đồng thời, khi thanh khoản và lãi suất chưa có sự cải thiện thì thị trường vẫn hoạt động trầm lắng.
Báo cáo của DKRA Group cũng cho thấy thị trường biệt thự, nhà phố khu vực phía Nam không có nhiều biến động về giá sơ cấp. Thanh khoản thị trường thứ cấp ở mức trung bình, mặt bằng giá ghi nhận mức giảm trung bình 11-15% so với đầu năm. Bối cảnh thanh khoản thị trường sụt giảm, áp lực lãi vay… khiến các nhà đầu tư phải cắt giảm lợi nhuận/giá bán nhằm thu hồi dòng tiền.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam, cho rằng thời điểm này, giá trị của sản phẩm là yếu tố ảnh hưởng tiên quyết đến quyết định của người mua nhà. Sản phẩm giá trị quá cao thì chắc chắn kén khách, chưa kể lựa chọn trên thị trường quá ít, như phân khúc nhà phố, biệt thự.
Cách đây 7-8 năm, khi biệt thự và nhà ở gắn liền với đất ở TPHCM khá nhiều, một loạt dự án ở quận 9 được rao bán trên thị trường nên khách hàng có nhiều lựa chọn hơn với tầm giá 20-30 tỷ đồng/căn. Khi đó, nguồn tiền cũng dồi dào nên thanh khoản thị trường tốt.
Hiện nay, bà Dung đánh giá nguồn cung không có nhiều lựa chọn. Dù khách hàng có tiền cũng khó lựa chọn được sản phẩm vì có thể không ưng ý về một số vấn đề… nhất là với số tiền lớn thì càng thận trọng hơn trong đầu tư.
Ngoài ra, khả năng chi trả cũng ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn xuống tiền. Bởi nhà phố, biệt thự cũng là dòng sản phẩm phục hồi chậm nhất so với những loại khác.
“Đây là thời điểm kinh tế khó khăn, khả năng chi trả ảnh hưởng nhiều đến quyết định chọn mua nhà. Dòng sản phẩm khoảng 10 tỷ đồng/căn có thanh khoản tốt hơn, dù là căn hộ hay sản phẩm gắn liền với đất”, bà Dung nói.