Theo đó, di tích Biệt thự Cầu Đá được UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Văn hóa và Thể thao, UBND TP Nha Trang, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, UBND phường Vĩnh Nguyên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định liên quan khác.
Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích Biệt thự cầu Đá theo quy định.
Đến nay mới xếp hạng di tích Biệt thự Cầu Đá
Theo lãnh đạo Trung Tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa khu Biệt thự Cầu Đá trước đây chỉ nằm trong danh mục di tích, đến nay mới chính thức xếp hạng là di tích cấp tỉnh ở hạng mục di tích kiến trúc nghệ thuật đối với 5 biệt thự cổ.
Ông Nguyễn Văn Nhuận – giám đốc Sở Văn Hóa và Thể thao Khánh Hòa – cho hay trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu sở lập hồ sơ công nhận xếp hạng di tích đối với 5 biệt thự trên theo đúng quy định; lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo 5 căn biệt thự Cầu Đá.
“Sau khi khu Biệt thự Cầu Đá được xếp hạng di tích cấp tỉnh, sẽ đến các bước như tôn tạo, Sở sẽ tiến hành khảo sát, mời chuyên gia đánh giá, dự toán kinh phí đầu tư trình Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về phần các hiện vật tại khu biệt thự Cầu Đá phía doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục bàn giao cho Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh, sau khi công trình được trùng tu, tôn tạo sẽ được đưa vào hoạt động trở lại”, ông Nhuận nói.
Hiện trạng 5 biệt thự cổ
5 biệt thự cổ này, nằm trên núi Cảnh Long có hướng nhô ra vịnh Nha Trang, trước đây có nhiều du khách tới tham quan.
Cuối năm 2013, tỉnh Khánh Hòa giao 13,6ha đất (gồm 8,9ha đất di tích Biệt thự Cầu Đá và núi Cảnh Long; còn lại là diện tích mặt biển danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang) cho Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án kinh doanh Bảo Đại resort Nha Trang.
Mục tiêu dự án lúc đó là xây dựng nơi này thành khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khách sạn cho thuê, các biệt thự cho thuê dài hạn hoặc bán.
Còn 5 biệt thự cổ trên cũng thuộc sở hữu của dự án Bảo Đại resort Nha Trang và doanh nghiệp sẽ cải tạo để cho thuê, phục vụ kinh doanh du lịch.
Sau đó dự án bị chậm tiến độ, bên trong vẫn còn dang dở, một số công trình xây được phần thô, rồi dừng thi công. Ngoài ra, quá trình triển khai, tại dự án xảy ra vi phạm, bị cơ quan chức năng xử phạt và đình chỉ thi công từ năm 2017.
Đến năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất tại dự án này sau khi đề nghị trả lại 5 biệt thự trong khu di tích, và được doanh nghiệp đồng ý.
Hiện tại các căn biệt thự ở đây trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, ngày càng xuống cấp, khuôn viên không được chăm sóc.
Được xây từ năm 1923
Khu biệt thự Cầu Đá gồm 5 căn nhà cổ có tên Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây năm 1923, theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp, kết hợp hài hòa với nghệ thuật hoa viên.
Khoảng từ năm 1940 – 1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên đến khu di tích này nghỉ dưỡng, giải trí nên còn có tên gọi là lầu Bảo Đại.
Năm 2005, bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Trong đó, toàn bộ khu di tích cấp tỉnh tại Biệt thự Cầu Đá đều nằm trong ranh giới thuộc di tích Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Nguồn: https://tuoitre.vn/biet-thu-cau-da-nha-trang-duoc-xep-hang-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-20240626143925665.htm