Nhờ am hiểu khoa học, anh Dương Đình Tuyễn xử lý cây ra trái đạt hiệu quả cao, trái bán được giá cao, đem lại doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm.
Vừa học đại học vừa trồng sầu riêng
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng đang cho trái vụ sớm, Tuyễn cho biết, hiện anh có 2 vườn sầu riêng. Mảnh vườn sầu riêng rộng 1ha trồng hơn 160 gốc đến nay được 8 năm tuổi; còn mảnh vườn 6.000m2 trồng 130 gốc đã được 6 năm tuổi. Cả 2 mảnh vườn đều được anh xử lý cho trái nghịch vụ nhờ đó luôn bán được giá cao.
Anh Tuyễn kể, sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhưng chứng kiến cảnh cha mẹ làm quần quật ngoài đồng nhưng gặp cảnh lúa “lúc trúng, lúc thất” nên anh luôn ấp ủ việc cải tạo mảnh ruộng của gia đình thành vườn cây trái đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để có đủ kiến thức áp dụng vào quá trình trồng, anh Tuyễn đăng ký học ngành Khoa học đất, Trường Đại học Cần Thơ vào năm 2015. Thời điểm đó, anh vừa học vừa tích lũy kiến thức và bắt tay vào việc cải tạo đất lúa lên vườn trồng sầu riêng trên diện tích 1ha với các giống Ri6 và một ít Monthong.
Đến năm 2018, anh lại tiếp tục trồng thêm 1 vườn sầu riêng trên diện tích hơn 6.000m2. Sau khi tốt nghiệp, anh lại tiếp tục học văn bằng 2 là ngành Khoa học cây trồng nhằm bổ sung kiến thức về lĩnh vực cây trồng, để chăm sóc cây, xử lý ra hoa và nuôi trái, bón phân thế nào cho phù hợp. Sau khi hoàn thành xong văn bằng 2, anh học lên thạc sĩ thêm 2 năm để có những kiến thức chuyên sâu về cây trồng, yên tâm đi đường dài với cây sầu riêng.
“Tôi học xuyên suốt 8 năm để hoàn thành 2 ngành học, học lên thạc sĩ và vừa mới lấy bằng vào đầu năm nay. Trong quá trình học tôi mong muốn song song với việc học và khởi nghiệp từ vườn sầu riêng để có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm để thành công với mô hình này”, Tuyễn chia sẻ.
Tạo khô hạn, cho sầu riêng ra trái nghịch mùa
Các giống sầu riêng được anh Tuyễn trồng chủ yếu là Ri6, một ít sầu riêng Monthong và Musangking. Đây là những giống có năng suất cao và phẩm chất ngon, được thị trường ưa chuộng.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm trồng sầu riêng, anh Tuyễn đã nghiên cứu và ứng dụng thành công việc xử lý cho cây sầu riêng ra hoa vụ nghịch để tận dụng khoảng trống thị trường bán được giá cao.
“Tôi tận dụng đất nhà và kiến thức của mình để canh tác sao cho hiệu quả, an toàn, sản xuất ra những trái sầu riêng có chất lượng tốt nhất để mang đến người tiêu dùng”, Tuyễn tâm huyết. Để cây nhiệt đới ra hoa cần phải tạo môi trường khô hạn và xử lý phân, thuốc ức chế sự sinh trưởng của cây để ra hoa tập trung hơn. Khoảng 1 tháng xử lý ra hoa sẽ “lú mắt cua”, hình thành bông và tiến hành chăm sóc.
“Khoảng tháng 9 tôi sẽ xử lý cho ra hoa nghịch vụ, bón phân, tạo mầm và che màn phủ ni lông để tạo sự khô hạn, tạo thêm một số rãnh để thoát nước nhanh hơn, giới hạn sự sinh trưởng của rễ. Sau khi cây ra hoa thì bón phân, phun thuốc theo định kỳ để phòng và trị bệnh cho cây sầu riêng. Nếu chăm sóc đúng quy trình, khoảng 6 tháng sau là thu hoạch. Chất lượng trái vẫn đảm bảo, giá thành cao gấp 2 lần so với trồng mùa thuận”, Tuyễn cho biết.
Tuy nhiên, việc xử lý vụ nghịch cũng cần nhiều kỹ thuật bởi khi rơi vào mùa mưa sẽ làm ảnh hưởng quá trình thụ phấn, nước mưa làm loãng nồng độ mật trong bông và cây thụ phấn không tốt sẽ không lên hạt.
“Bản thân tôi được học, đào tạo bài bản về cây trồng nên ứng dụng vào việc trồng trọt tốt hơn, như lựa chọn những thành phần, hoạt chất nào sử dụng cho cây hoặc kỹ thuật nào cần thiết để làm, tạo năng suất và chất lượng tốt nhất cho vườn mình”, Tuyễn chia sẻ.
Hiện với diện tích 1ha sẽ cho thu hoạch khoảng 15 tấn/năm. Sầu riêng được anh bán cho công ty với giá 110.000 đồng/kg. Nhờ đó đem lại doanh thu khoảng trên 1 tỉ đồng/năm.
Nguồn: https://danviet.vn/biet-tai-trong-sau-rieng-cua-chang-thac-si-mien-tay-nghich-vu-ma-trai-de-chang-chit-khap-than-cay-20240621002336596.htm