Tại diễn đàn: “Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng” diễn ra vào chiều 18/5, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của sự phát triển kinh tế – xã hội; có vai trò, đóng góp lớn đối với nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực.
Thị trường bất động sản du lịch tạo động lực để hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, làm thay đổi diện mạo và giúp cho kinh tế – xã hội của các địa phương phát triển, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội tại các địa phương trên cả nước.
“Phát triển thị trường bất động sản du lịch cũng là cơ hội khai thác và sử dụng đất đai một cách hiệu quả khi biến những vùng đất hoang sơ chưa có giá trị thành những vùng đất có giá trị kinh tế cao”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã có những phát triển mạnh và tập trung ở nhiều các tỉnh thành trên cả nước, trong đó phải kể đến một số địa phương có sự phát triển tích cực như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh…
Với sự vào cuộc của các địa phương, các doanh nghiệp, trong thời gian qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã tạo ra những sản phẩm rất đa dạng, phong phú, tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch và tạo môi trường, điều kiện để người dân được hưởng thụ những giá trị của bất động sản nghỉ dưỡng.
Bên cạnh những sự phát triển rất nhanh trong thời gian vừa qua, gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua.
Về những khó khăn trong thời gian qua đối với các lĩnh vực về bất động sản cũng như bất động sản nghỉ dưỡng có thể kể đến: Thứ nhất là khó khăn về thủ tục pháp lý, việc triển khai đầu tư dự án bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý, vấn đề chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn tới việc ra quyết định đầu tư còn có nhiều thận trọng.
Thứ hai về trình tự thủ tục đầu tư có nhiều thủ tục phải qua rất nhiều thời gian, như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư, nhất là những dự án có thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến tạo nguồn cung trong thời gian qua. Vấn đề liên quan đến việc xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất trong thời gian qua cũng là việc khó khăn trong đầu tư phát triển các dự án.
“Các dự án bất động sản, nhất là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ những vùng đất hoang sơ đã biến thành những dự án đẹp mất rất nhiều công, tuy nhiên những vùng này cũng gặp những khó khăn về pháp lý”, ông Sinh cho biết.
Vấn đề vướng mắc trong việc công tác lập điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, nhất là những khó khăn về bất động sản nghỉ dưỡng giữa những khu vực mới phát triển, do đó việc công tác lập quy hoạch, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết mất nhiều thời gian và còn nhiều khó khăn trong thực hiện.
Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sử dụng tài sản cũng ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản vừa qua. Nhiều nội dung liên quan đến vấn đề vướng mắc về pháp lý ít nhiều cũng đã có sự tác động đến sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Trong thời gian vừa qua, cũng đã có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn về tín dụng, trái phiếu, do đó, các vấn đề liên quan đến các nguồn lực để phát triển dự án, một số chủ đầu tư trong quá trình triển khai cũng chia sẻ các khó khăn về mặt nguồn lực trong triển khai dự án.
Nhiều chủ đầu tư mặc dù đã tích cực nỗ lực đưa ra các quy hoạch và thiết kế, cơ cấu sản phẩm, tiện ích trong các khu nghỉ dưỡng để tạo nên các dịch vụ trong khu bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng các hoạt động đầu tư thời gian qua gặp nhiều khó khăn, một số chủ đầu tư triển khai dự án chậm khiến cam kết với khách hàng người dân chưa đảm bảo, tranh chấp, ảnh hưởng niềm tin vào thị trường bất động sản.
Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật và trình Chính phủ sớm ban hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 để ba bộ Luật có hiệu lực sớm từ ngày 1/7 tới đây.
Việc ban hành hệ thống các Luật này, trong đó có các nội dung tháo gỡ vấn đề đất đai, trình tự đầu tư, các hoạt động kinh doanh bất động sản.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc hoàn thiện, sửa đổi, tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian tới sẽ có những điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển các dự án bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Nguồn: https://www.congluan.vn/thu-truong-bo-xay-dung-biet-su-dung-dat-dai-hieu-qua-co-the-bien-vung-dat-hoang-so-tro-thanh-gia-tri-post296013.html