Quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở khúc ruột miền Trung, nổi tiếng với những trảng cát chạy dài, những cơn gió Lào khô khốc. Đó cũng là nơi cho loài cây xương rồng vươn mầm sống. Bao đời nay, xương rồng vẫn ở đó, luôn là biểu tượng của loài thực vật chịu hạn kiên cường, biết tiến hóa để thích ứng với môi trường thiếu nước.
Cây xương rồng chủ yếu vẫn được hình dung như thế. Ít ai ngờ, trong quá trình sáng tạo ẩm thực, nhiều người đã biến tấu xương rồng thành nguyên liệu và bất ngờ cho những món ngon. Để giờ đây, xương rồng đã trở thành đặc sản mà ai ghé ngang Quảng Bình cũng muốn một lần nếm thử.
Đầu tiên là món canh chua xương rồng. Bản thân người viết, một người Quảng Bình gốc, cũng rất ngỡ ngàng khi được thưởng thức món ăn này cách đây chừng 15 năm. Thời gian đó, không biết ai đã nghĩ ra món này nhưng bây giờ hầu như tất cả các nhà hàng ven biển Nhật Lệ, biển Bảo Ninh ở TP.Đồng Hới đều có món canh chua xương rồng trong thực đơn.
Trong món ăn này, xương rồng đã được loại bỏ các cây gai nhọn rồi cắt mỏng thành hình những ngôi sao và nấu chung với nhiều loại cá. Nhưng cá đuối có vẻ vẫn là lựa chọn hợp lý nhất. Có xương rồng, mùi tanh cá sẽ tan biến. Có cá, xương rồng sẽ “ngậm” thêm vị mặn mòi của biển, trở nên thanh mát và giòn sật… Nhiều người đã từng ái ngại khi lần đầu đụng đũa với món canh xương rồng, nhưng khi đã quen thì “nghiện”. Nghiện vị chua nhẹ thanh, khác rất nhiều với khế hay lá me.
Có vẻ như sự biến tấu với món canh là chưa đủ. Xương rồng đã được một quán cà phê ở trung tâm TP.Đồng Hới “sáng chế độc quyền” ra thức uống: trà xương rồng.
Loài cây này vốn không được coi như một loại thực phẩm, nhưng trên thực tế xương rồng lại có thể chế biến được nước ép, trà xương rồng… giàu vitamin và cực kỳ tốt cho sức khỏe như giúp giảm lượng cholesterol, tăng cường tiêu hóa, giúp giảm chứng viêm…
Trong tiết trời mùa hè của Quảng Bình, gọi một ly trà xương rồng the mát để giải nhiệt là một gợi ý đáng để thử!
Nguồn: https://thanhnien.vn/bien-tau-voi-xuong-rong-185241009171130545.htm