Trong số này, nhiều biển số xe được đấu giá có giá trị cao, như: BS 51K – 888.88 của TP.HCM hơn 32 tỉ đồng, BS 30K – 555.55 và BS 30K – 567.89 của Hà Nội lần lượt hơn 14 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng, BS 36A – 999.99 của Thanh Hóa gần 7,5 tỉ đồng, BS 99A – 666.66 của Bắc Ninh hơn 4,2 tỉ đồng…
Với các biển số được đấu giá có giá trị cao như trên, bạn đọc Nguyễn Hùng và một số bạn đọc khác thắc mắc liệu có được xem là tài sản không ? Nếu có thì nó có được áp dụng luật thừa kế/phân chia tài sản không ?
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, Công ty luật Viên An) tư vấn, biển số xe định danh không phải là đối tượng của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật dân sự. Biển số xe định danh chỉ là công cụ để Nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới.
Hơn nữa, cho đến nay, chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định biển số là tài sản.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 73/2022/QH15 về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô, thì người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá…
Đồng thời, tại điểm a khoản 4 Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
Như vậy, người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó. Nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó.
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật.