Cuốn sách Chip War – Cuộc chiến vi mạch được xem là biên niên sử về cuộc chiến kéo dài hàng thập niên để kiểm soát thứ đang nổi lên là tài nguyên quan trọng nhất nhưng lại khan hiếm: chip bán dẫn.
Trong cuốn sách của mình, tác giả Chris Miller đã nhận định rằng nếu như cán cân quyền lực của thế kỷ XX xoay quanh tài nguyên dầu mỏ, thì đến thế kỷ XXI, cuộc chiến này chuyển sang chip bán dẫn.
Cuốn sách sẽ được ra mắt tại Hà Nội vào ngày 2/6. (Nguồn: Nhã Nam) |
Chip bán dẫn, hay còn gọi là mạch tích hợp hay chất bán dẫn, là một miếng vật liệu bán dẫn nhỏ, thường là silicon, với hàng triệu hoặc hàng tỷ bóng bán dẫn được gắn bên trên.
Chất bán dẫn là một loại vật liệu độc nhất vô nhị. Hầu hết các vật liệu đều cho dòng điện chạy qua tự do hoặc chặn dòng điện, nhưng chất bán dẫn khi kết hợp với các thành phần khác sẽ có thể cho hoặc không cho dòng điện chạy qua, tạo cơ hội cho sự ra đời của các loại thiết bị mới có thể tạo ra và điều khiển dòng điện.
Ngày nay, chip bán dẫn có mặt trong hầu hết mọi thiết bị dù là nhỏ nhất trong cuộc sống của chúng ta. Chip bán dẫn đã tạo ra thế giới hiện đại ngày nay và số phận của các quốc gia phụ thuộc vào khả năng khai thác sức mạnh tính toán của chúng.
Như một cuốn biên niên sử về chất bán dẫn, Chip War – cuộc chiến vi mạch dẫn dắt người đọc trở về những ngày đầu tiên của con chip, vào khoảng hơn sáu mươi năm trước, số lượng bóng bán dẫn trên một con chip được cho là tiên tiến nhất là 4. Ngày nay con số đó là 11,8 tỷ.
Sự phát triển đáng kinh ngạc này một phần nhờ các nhà khoa học lỗi lạc và các nhà vật lý đã giành giải Nobel. Nhưng không phải chỉ có vậy, chất bán dẫn trở nên phổ biến bởi các công ty phát minh ra những kỹ thuật mới để sản xuất hàng triệu đơn vị bán dẫn một lần, bởi các nhà quản lý đầy tham vọng không ngừng cắt giảm chi phí, và bởi các doanh nhân khởi nghiệp đầy sáng tạo đã nghĩ ra nhiều cách sử dụng mới đối với chip bán dẫn.
Cuộc chiến về vi mạch là cuộc chiến không ngừng nghỉ, không chỉ là bài toán về cách để sản xuất hàng loạt nhiều hơn, nhanh hơn và ít chi phí hơn mà còn là bài toán về kích cỡ và tốc độ của vi mạch.
Chế tạo và thu nhỏ kích thước chất bán dẫn là thách thức kỹ thuật lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Bản đồ chất bán dẫn vẫn được cập nhật từng ngày, với sự thay đổi sát sao của các quốc gia. Cuộc đua về công nghệ này cũng chính là cuộc đua gay cấn và hệ trọng nhất thời đại chúng ta.
Tác giả Chris Miller có bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại Đại học Yale, bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Harvard. Ông hiện là Phó Giáo sư chuyên ngành Lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tuffs; giảng viên thỉnh giảng Jeane Kirkpatrick tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Ông từng là Phó Giám đốc Chương trình Brady-Johnson về Chiến lược lớn tại Đại học Yale; giảng viên trường New Economic School tại Moscow, học giả được mời nghiên cứu tại Trung tâm Moscow Carnegie, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Brookings, thành viên Học viện Transatlantic của Quỹ German Marshall. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/bien-nien-su-ve-cuoc-chien-vi-mach-273177.html