Năm đầu mới yêu nhau, anh Phạm Hoàng Minh (ở Gò Vấp, TP.HCM) từng áp lực mỗi dịp lễ lạt khi nghĩ nên tặng gì để không bị trùng lặp mà vẫn đúng sở thích, phong cách bạn gái.
Chọn quà tặng mà nhức hết cả đầu
Anh Minh nhớ lại “chuỗi quà” phải tặng theo các mốc thời gian: “Quà Noel, lì xì Tết, lễ tình nhân, sinh nhật người yêu, lễ 8-3, ngày kỷ niệm yêu nhau, lễ 20-10, chưa kể những thứ mua ngẫu nhiên trong năm. Bạn gái không lên tiếng đòi, nhưng tới mấy ngày đó tôi thấy xung quanh đều tặng quà mà mình ngó lơ cũng kỳ”.
Cố “gồng” tặng quà bằng hiện vật hoặc chuyển khoản, có lần anh Minh phải vay mượn bạn để chi tiêu sau khi sạch túi. Người yêu (hiện tại là vợ – PV) biết chuyện đã giận anh một trận vì “tội” chi tiêu quá đà, thậm chí bỏ mớ tiền mua món đồ chỉ để… trưng cho vui.
“Cô ấy nói thẳng phụ nữ thì ai cũng thích quà, nhưng nếu vì tặng quà mà trở nên áp lực hay vô tình đẩy người yêu vào nợ nần thì món quà đó vô nghĩa”, anh Minh tâm sự.
Theo ThS Lê Minh Huân – giảng viên tâm lý học, giám đốc Công ty TNHH ứng dụng tâm lý – giáo dục An Nhiên, phái mạnh đau đầu khi tặng quà có thể vì không nắm bắt được sở thích, nhu cầu và tính cách của các cô gái, việc này sẽ được cải thiện theo thời gian.
“Tuy nhiên, nếu người đàn ông biết quan sát và tinh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý phái đẹp sẽ khiến anh ta ít phải bối rối khi tìm kiếm món quà thích hợp cho người mình yêu thương”, anh Huân cho biết.
Tương tự, là phụ nữ nhưng chị Nguyễn Thanh Thảo (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng từng căng thẳng chuyện quà cáp khi nghĩ món đồ cần mua cho người yêu vào các dịp lễ để có qua có lại, dù đối phương không đòi. Hồi mới yêu, cứ tới ngày đặc biệt, chị cất công suy nghĩ rồi đi mua quà từ loại bình dân đến đắt tiền, nhưng sau đó hiếm khi thấy người nhận sử dụng, có cũng chỉ đôi ba lần rồi đem cất.
Sau này khi hiểu người yêu hơn, chị Thảo mới nhận ra bạn trai thích sự quan tâm giản dị, đúng lúc đúng chỗ hơn là ráng “gồng” kiếm quà cáp sao cho hài lòng anh. Đó là lần khi thấy trời nắng nóng, đối phương bị nhiệt miệng, chị chủ động vào tiệm thuốc mua bột uống giải nhiệt, vitamin C, túc trực bên cạnh chăm sóc lúc anh bệnh.
Bí quyết để các cặp vợ chồng hay những đôi yêu nhau xem “mỗi ngày là một món quà” là luôn làm mới mình mỗi ngày, nhưng vẫn giữ “bộ nhận dạng” đối phương yêu thích.
ThS Lê Minh Huân
Để mỗi ngày đều là món quà, khó không?
Chị Thảo tâm sự mình học được sự quan tâm giản dị mà đúng lúc đúng chỗ này từ hai cô chú người quen. “Cô chú lớn tuổi rồi nhưng quan tâm nhau từng chút một. Chú đi tập yoga buổi chiều thì sẽ chở cô đến nhà bạn chơi, không để cô lủi thủi một mình ở nhà. Mấy dịp lễ như 8-3, sáng sớm chú sẽ đi mua chậu hoa hồng màu phấn cô thích, chiều mát hai vợ chồng đi ăn…
Chú thường để ý xem đồ cô dùng có cái nào hết, hoặc là cô từng định mua mà quên thì lúc hai vợ chồng đi mua sắm sẽ mua luôn cho vợ.
Lâu lâu chú còn làm thơ, hát cho vợ nghe khi rảnh rỗi”, chị Thảo nói dù lấy nhau mấy mươi năm nhưng cô chú luôn khắng khít chẳng thua kém những đôi vợ chồng trẻ.
Theo ThS Huân, bí quyết để các cặp vợ chồng hay những đôi yêu nhau xem “mỗi ngày là một món quà” là luôn làm mới mình mỗi ngày, nhưng vẫn giữ “bộ nhận dạng” mà đối phương bảo thích: lời ăn, tiếng nói, cách đối đãi, sự quan tâm, ánh mắt trìu mến…
Đối với các khiếm khuyết, cần nỗ lực cải thiện, không ngừng học hỏi điều mới, kỹ năng mới để mang lại làn gió mới cho mối quan hệ lâu dài, bền chặt.
“Thi thoảng hãy thử choàng vai để hiểu và thương nhau khi đặt mình vào vị trí của đối phương. Cơm sôi bớt lửa, chồng giận thì vợ bớt lời. Giao tiếp cởi mở nhưng cần quản lý cảm xúc khi gặp trục trặc trong đời sống hôn nhân. Sai phải sửa, phải chịu trách nhiệm và cố gắng làm tốt hơn.
Đồng thời tha thứ cho nhau, bao dung và rộng lượng mới đủ sức đi đường dài bởi tấc lòng nhỏ hẹp sẽ trói nhau vào những xiềng xích không đáng có, khó nuôi dưỡng tình thương và sự cảm thông”, anh Minh Huân chia sẻ.
Sau vài lần mua ngẫu hứng nhưng đúng nhu cầu người yêu đang cần như dầu gội, viên uống tiêu hóa, kem trị mụn, hộp khẩu trang, khi thì tự tay ghép hình du lịch của hai đứa thành tấm thiệp, nấu bữa ăn cầu kỳ một chút để cả hai thưởng thức, chị Thanh Thảo như được giải phóng khỏi áp lực chọn quà tặng dịp lễ.
“Tôi và bạn trai không còn đợi dịp quan trọng mới tặng quà, chúng tôi tự tạo ra món quà cho nhau mỗi ngày bằng sự quan tâm, chăm chút từ những điều nhỏ”, chị Thảo cười tươi cho biết.
Với anh Minh, khi không còn cảnh lễ nào cũng phải tặng quà, vào một số ngày đặc biệt anh chọn nấu món vợ thích khi học được trên mạng, đưa vợ đi siêu thị mua đồ dùng cần thiết, làm hết việc nhà hoặc có nhiều thời gian thì hai vợ chồng đi cắm trại tự túc.
Người đàn ông 31 tuổi cũng học cách quan tâm bạn đời từ những điều nhỏ nhặt thay vì thiên về quà cáp, vật chất như trước.