Theo thông tin từ người thân, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời lúc 5h sáng 6/7, hưởng thọ 74 tuổi. Sự ra đi của nhà thơ quê Quảng Bình khiến cho gia đình, đồng nghiệp và khán giả tiếc nuối.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, bà quen nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từ cuộc thi thơ năm 1973- 1974 do báo Văn nghệ tổ chức. Hồi đó, nhà thơ Vỹ Dạ đạt giải nhất, biên kịch Hồng Ngát đạt giải nhì. Hai nhà thơ đã thân từ đó và có nhiều kỷ niệm với nhau.
“Tôi vào Huế hay đến nhà Vỹ Dạ chơi. Khi Dạ chuyển vào TPHCM thì tôi cũng đến nhà. Vỹ Dạ có hai người con gái, con gái út thì học bên Mỹ và định cư bên đó. Những năm cuối đời, Vỹ Dạ và chồng là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vào Nam ở với người con cả.
Con gái mua cho vợ chồng Vỹ Dạ một căn hộ bên cạnh nhà con, có hai người giúp việc hỗ trợ việc nhà. Chồng của Dạ đã nằm một chỗ nhiều năm nay nhưng vẫn minh mẫn và vẫn nhận ra mọi người. Những năm cuối đời, Vỹ Dạ bị bệnh Alzheimer (mất trí nhớ – PV) nên không nhận ra tôi”, biên kịch Hồng Ngát kể lại.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết thêm, Lâm Thị Vỹ Dạ là một người hiền hậu, nhân ái. Bạn bè chưa bao giờ thấy Vỹ Dạ trách móc, giận hờn ai.
“Tôi có thể trò chuyện với Dạ đủ thứ trên đời mà không sợ điều gì cả. Vỹ Dạ là người kín tiếng, biết giữ bí mật. Dạ là một người đáng tin cậy, tử tế”, bà Hồng Ngát nhận xét về bạn của mình.
Nữ biên kịch cho biết thêm, hồi nhà thơ Lâm Thị Vỹ Dạ vào học trường Viết văn Nguyễn Du, bà cũng có giấy báo nhập học trường này nhưng vì đam mê với sân khấu hơn nên bà chọn học trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
Nhà thơ quê miền Trung hay nói với Hồng Ngát: “Nếu bạn học ở viết văn Nguyễn Du thì chúng ta có nhiều kỷ niệm hơn, vui hơn”. Nhưng hai nữ nhà thơ vẫn thường gặp nhau dù học khác trường. Hồi đó, nhà thơ Vỹ Dạ phải mang con ra Hà Nội để học, nhưng bà đã rất cố gắng để vừa chăm con, vừa hoàn thành việc học.
Nguyên phó Cục trưởng cục Điện ảnh Hồng Ngát không quên những kỷ niệm cùng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ ở Hà Nội: “Khi còn khỏe, năm nào Vỹ Dạ cũng ra Hà Nội chơi. Dạ hay đứng ở phố Thụy Khuê, tôi thường chạy xe ra đón bạn vào nhà mình chơi.
Đi đón Dạ, tôi hay mua sẵn một con gà treo ở xe xong về luộc lên, rồi cùng nhau ăn uống, trò chuyện. Dạ hay ngủ lại nhà tôi, thi thoảng Dạ có ngủ ở nhà của Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Thị Trường, Đoàn Thị Lam Luyến… Dạ là khách quý nên được chúng tôi đón tiếp rất niềm nở”.
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến thì nhận xét Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ xuất sắc. Năm 1997, nhà thơ Lam Luyến có chuyến công tác ở Nha Trang, có về nhà của Vỹ Dạ ở Huế chơi, bà được đón tiếp rất nồng hậu. Hai người có nhiều ký ức đẹp về nhau,
“Không những làm thơ hay, Vỹ Dạ còn là người sống rất đẹp, nhiệt tình, hòa đồng. Thơ của Dạ phản ánh chính con người cô ấy. Những sáng tác của Vỹ Dạ tự nhiên nhưng lại rất nghệ thuật”, nhà thơ Lam Luyến bộc bạch.
Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Chồng bà là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Năm 2007, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983), Đề tặng một giấc mơ (1988). Năm 2005, tập thơ Cốm non (Green rice) của bà được dịch ra tiếng Anh, in và phát hành tại Mỹ.
Xong sứ mệnh
(Viết cho nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ)
Tam Giới – nơi tạm đến
Ai cũng phải dời đi
Xong sứ mệnh thi sĩ
Chị ngoảnh gót quay về
Bao bạn bè nơi đây
Sửng sốt vì thương tiếc
Một tâm hồn thanh cao
Được về nơi thánh khiết
Thơ chị từng an ủi
Bao số phận nhọc nhằn
Thơ chị từng gạn đục
Mảnh đời cần khơi trong
Chị san lấp “hố bom”
Bằng “khoảng trời” bát ngát
Những ai trót nản lòng
Lại ngẩng đầu bước tiếp
Giờ thì chị đã đến
Chưa phải chốn cao tầng
Chưa phải miền cực lạc
Nhưng xa chốn phàm trần
Chắc hẳn nơi chị đến
Không có nhiều khổ đau
Hồn thi nhân của chị
Tươi thắm thuở ban đầu!
6/7/2023
Đoàn Thị Lam Luyến