Theo phân tích của nhóm nhà khoa học quốc tế đến từ World Weather Attribution, tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, sự nóng lên toàn cầu khiến khả năng xảy ra hạn hán tăng gấp 30 lần, dẫn đến nhiệt độ cực cao và góp phần làm giảm lượng mưa.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2023. Theo đó, các nhà khoa học dự báo, hạn hán tại 9 quốc gia có rừng nhiệt đới Amazon, trong đó có Brazil, Colombia, Venezuela và Peru, sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024 sau khi mùa mưa bắt đầu giảm vào tháng 5.
Bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, do khu rừng đóng vai trò hấp thụ lượng lớn khí nhà kính khổng lồ của Trái đất.
Regina Rodrigues, đồng tác giả nghiên cứu và nhà nghiên cứu tại Đại học Liên bang Santa Catarina ở Brazil, cho biết: “Chúng ta thực sự nên lo lắng cho sức khỏe của rừng Amazon”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết hạn hán đã làm giảm mực nước sông ở nhiều nơi trong rừng Amazon xuống mức thấp kỷ lục. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, mà khi kết hợp với biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, thực trạng này có thể đẩy Amazon vào tình trạng không thể hồi phục. Quần thể sinh vật trong rừng sẽ dần khô cạn và Amazon sẽ không còn là một khu rừng nhiệt đới tươi tốt.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy hiện tượng El Nino – sự nóng lên định kỳ ở Đông Thái Bình Dương – cũng góp phần làm giảm lượng mưa. Trong khi khu vực này đã phải đối mặt với ít nhất 3 đợt hạn hán dữ dội khác trong 20 năm qua, thì quy mô của đợt hạn hán này là chưa từng có và ảnh hưởng đến toàn bộ lưu vực sông Amazon.
Ở Brazil, mực nước một nhánh chính của sông Amazon đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1902. Những dòng suối nhỏ hơn nhánh này gần như biến mất.
Đồng tác giả nghiên cứu Simphiwe Stewart thuộc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ Chữ thập đỏ có trụ sở tại Hà Lan cho biết: “Chỉ trong vào tháng, các tuyến đường thủy đã cạn kiệt nước, buộc người dân phải thực hiện những chuyến đi khó khăn, kéo thuyền qua những đoạn sông khô cạn để có thể tiếp cận thực phẩm, thuốc men và các hàng hóa thiết yếu khác”.
Các nhà nghiên cứu ở Brazil cho biết, năm ngoái, mực nước thấp và nhiệt độ cao đã dẫn đến cái chết của ít nhất 178 cá heo hồng và xám sông Amazon có nguy cơ tuyệt chủng. Hàng nghìn con cá cũng đã chết do nồng độ oxy thấp ở các nhánh sông Amazon.
Ngọc Ánh (theo Reuters)